Sau hai chuyến bay thương mại chở khách từ Hàn Quốc về VN cuối tháng 9, nhiều người chưa kịp mừng thì hãng bay phải tạm dừng một số chuyến kế tiếp.
Hành khách đi từ Hàn Quốc đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cuối tháng 9-2020 - Ảnh: T.ĐIỆP |
Bộ GTVT cho biết việc tạm dừng này do phương thức quản lý, cách ly hành khách từ các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách vào VN chưa thống nhất, nên phải chờ hướng dẫn từ các cơ quan liên quan.
Bất đồng phí cách ly
Hiện các chuyến bay quốc tế chở khách vào VN với 3 hình thức: chuyến bay giải cứu, chuyến bay chở chuyên gia và chuyến bay thương mại. Với chuyến bay giải cứu, hành khách phải đăng ký qua đại sứ quán.
Trong khi đó, chuyến bay chở chuyên gia phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyến bay thương mại không giới hạn đối tượng khách.
Ông Phan Thanh Tâm, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết ngoại trừ những chuyến bay giải cứu, toàn bộ người nhập cảnh vào VN đều được áp dụng hình thức cách ly trả phí.
Lãnh đạo một hãng hàng không cho biết chuyến bay từ Hàn Quốc về Hà Nội và TP.HCM với tổng cộng 262 hành khách đã mở đầu việc nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách vào VN sau thời gian dài gián đoạn vì dịch COVID-19.
Tuy nhiên, một số hành khách đã phản ứng về mức phí cách ly tại khách sạn thiếu thống nhất và cao so với thông báo ban đầu.
Trong khi đó, Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết có một số hành khách cố tình gây rối không chịu cách ly ở khách sạn, mà vào khu cách ly tập trung để giảm phí cách ly.
Trên thực tế hành khách Vietnam Airlines ngày 25-9 phản ảnh mua vé và chuyển tiền cách ly tại khách sạn nhưng về đến Nội Bài lại bố trí vào khu cách ly của đơn vị quân đội và khách sạn chuyển lại số tiền mà khách hàng đã chuyển trước đó.
Trong khi đó, nhiều hành khách của Vietjet đáng lẽ phải cách ly ở khách sạn có trả phí nhưng rốt cuộc phải đưa về Cần Giờ cách ly tập trung.
Đang cách ly ở Cần Giờ sau chuyến bay từ Hàn Quốc - TP.HCM ngày 30-9, anh N.T.Đ. cho biết do không nhận thông tin rõ ràng về thu phí cách ly ở khách sạn như thế nào trước khi mua vé, về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì giá khách sạn thay đổi liên tục, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người.
"Không phải ai cũng có khả năng chi trả tiền khách sạn giá từ 1,3 triệu đồng/ngày, có phòng 1,7 triệu đồng/ngày và kéo dài đến 14 ngày" - hành khách này nói.
Hãng bay và cơ sở lưu trú bắt tay
Việc cách ly công dân nước ngoài được thực hiện tốt, vấn đề phát sinh nằm ở quy trình chuẩn bị khách sạn, thu phí cách ly đối với công dân VN khiến các chuyến bay thương mại quốc tế vừa mới được nối lại vài ngày đã phải tạm ngưng.
Nhiều hành khách cho biết khách sạn thu phí cách ly với giá khá cao, không đủ khả năng cân đối tài chính.
Để giải quyết tình trạng này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết sắp tới các khách sạn phục vụ cách ly có thu phí ở TP.HCM sẽ công bố biểu giá cụ thể cho các gói dịch vụ để người dân nắm rõ và tiện giám sát.
Không chỉ có khách sạn 3-4 sao, mà sẽ có thêm khách sạn bình dân tham gia, giảm gánh nặng chi phí cách ly cho hành khách.
Theo quy định, trước khi về VN, hành khách phải có phương án cách ly cụ thể như điểm đến, nơi cách ly, phương tiện di chuyển, thủ tục đặt khách sạn cách ly mới được nhập cảnh.
Để tránh nhùng nhằng, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng có thể nghiên cứu phương án kết hợp giữa đại lý bán vé chính thức của hãng và cơ sở lưu trú để thành lập gói "tour cách ly" với nhiều mức giá khác nhau, từ bình dân đến cao cấp, để hành khách chọn lựa. Điều này đảm bảo hành khách về đến sân bay là đưa cách ly ngay.
Được biết, hiện tổ công tác của Bộ Y tế đang xây dựng quy trình cách ly thống nhất áp dụng cho toàn quốc và trình Ban chỉ đạo quốc gia phê duyệt trong vài ngày tới.
C.TRUNG (TTO)