Kinh tế

Sẽ không còn chỗ đứng cho cây bông vải?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tỉnh đã có quy hoạch các vùng sản xuất các loại cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho công nghiệp chế biến, trong đó có cây bông vải được quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến bông... Song do giá bông vải trong những năm qua giảm mạnh, chi phí đầu tư lớn và công thu hoạch cao nên lợi nhuận mang lại từ cây bông vải thấp, không đủ sức cạnh tranh với các cây trồng khác nên mất dần vị thế trên đất Gia Lai.

Kiểm tra ruộng bông vải. Ảnh: Đức Thụy
Kiểm tra ruộng bông vải. Ảnh: Đức Thụy

Theo Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 7-10-2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, đến năm 2015, duy trì diện tích cây bông vải là 3.500 ha, sản lượng đạt 7.000 tấn; đến năm 2020, diện tích vùng nguyên liệu bông sẽ phát triển 5.000 ha, năng suất trung bình 2,65 tấn/ha, sản lượng dự kiến đạt 13.500 tấn. Địa bàn phát triển vùng nguyên liệu bông chủ yếu là các huyện: Chư Sê, Chư Prông, Krông Pa, Kông Chro, Đak Pơ, Phú Thiện, Ia Pa. Diện tích và sản lượng bông vải quy hoạch đến năm 2015 và đến năm 2020 đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho hoạt động chế biến của Nhà máy Bông Gia Lai công suất 15.000 tấn bông xơ/năm. Cây bông vải đã từng được mệnh danh là cây “xóa đói giảm nghèo” và được đưa vào địa bàn Gia Lai trồng từ đầu năm 2000 tại các huyện như: Kông Chro, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Krông Pa. Thời điểm này được xem là thời “hoàng kim” của cây bông vải, với tổng diện tích hơn 5.000 ha, phục vụ đủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến bông tại huyện Chư Sê. Cây bông vải có khả năng chống chịu hạn tốt, phù hợp với các địa phương không có công trình thủy lợi và phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số... Song sau một thời gian tồn tại, đến nay cây bông vải không thể cạnh tranh với các loại cây trồng khác như mì, bắp, đậu các loại… và đang dần bị “xóa sổ”. Theo báo cáo mới nhất, tính đến thời điểm này, diện tích cây bông vải trên địa bàn tỉnh chỉ trồng được 526 ha (Kông Chro 220 ha, Chư Sê 40 ha, Chư Pưh 66 ha, Chư Prông 150 ha, Krông Pa 50 ha), đạt hơn 41% kế hoạch, năng suất 1,7 tấn/ha.
 

Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho biết: Người trồng bông vải thuận lợi là được Công ty Bông đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm, sau đó khi thu hoạch phía Công ty Bông sẽ trừ chi phí đã đầu tư cho nông dân, nhưng nếu so thu nhập bình quân trên cùng một diện tích thì cây bông vải không thể ổn định và cao bằng các loại cây trồng khác như mía, mì, bắp, đậu xanh… nên người dân đã chuyển đổi diện tích bông sang trồng cây khác hiệu quả kinh tế hơn.

Huyện Kông Chro trước đây được xem là thủ phủ của cây bông vải, những năm cao điểm như 2005-2006, trên địa bàn huyện trồng hơn 3.000 ha. Tuy nhiên, do lợi nhuận mang lại không cao bằng các loại cây trồng khác nên người dân đưa cây mì, bắp, mía vào trồng thay và hiện nay chỉ còn 220 ha bông vải. Theo tính toán của người dân, mỗi ha bông vải cần đầu tư giống khoảng 750 ngàn đồng, cộng với chi phí phân bón, thuốc trừ sâu khoảng 10 triệu đồng, tổng số tiền đầu tư trồng 1 ha cây bông vải khoảng 11 triệu đồng chưa tính công chăm sóc và thu hái. Trong khi đó với giá bông vải như năm 2013 dao động khoảng 13.000-13.500 đồng/kg. Bình quân mỗi ha bông vải thu hoạch được khoảng 1-1,5 tấn. Sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng bông vải thu lãi không đáng kể. Đây được xem là nguyên nhân chính người dân không mặn mà với cây bông vải và diện tích càng ngày càng giảm. Hiện trên địa bàn huyện Kông Chro kế hoạch trồng khoảng 200 ha bông vải tập trung tại các xã: Yang Nam, Chơ Long, Yang Trung, Đak Pơ Pho, An Trung và thị trấn.

Cũng như huyện Kông Chro, các địa phương như Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Krông Pa sau một thời gian trồng loại cây này đến giờ người dân đã không còn mặn mà với cây bông vải. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mặc dù cây bông vải có khả năng kháng sâu và chịu hạn tốt, phù hợp với khả năng canh tác của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc… Tuy nhiên, trong những năm qua giá bông vải liên tục giảm, trong khi đó giá nhân công, giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không ngừng tăng lên nên người dân đã chuyển sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế hơn. Ông Lê Sĩ Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết: Trước đây trên địa bàn huyện cũng trồng hơn 1.000 ha bông vải, nhưng đến thời điểm này chỉ còn 30 ha và trồng duy nhất tại xã Hbông. Nguyên nhân do hiệu quả kinh tế mang lại của cây bông vải không bằng những cây trồng khác và người dân đã chuyển đổi cây trồng, đảm bảo kinh tế gia đình.  

Để cây bông vải có thể đứng vững, phát triển theo quy hoạch của tỉnh và cạnh tranh được với các cây trồng khác, trước hết từ phía Công ty Bông cần có chính sách hỗ trợ nông dân trong việc đầu tư, thu mua và giá cả phù hợp, ổn định. Đặc biệt, lợi nhuận mang lại từ việc trồng bông vải phải đảm bảo được cuộc sống của người dân khi đó người dân, mới không “quay lưng” lại với cây bông vải.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm