Ra sàn đấu ở 5 hạng cân, đi thẳng một mạch đến tận trận đấu cuối cùng và giành toàn bộ 5 HCV, các võ sĩ kurash Việt Nam đang viết nên lịch sử cho môn thể thao còn khá mới mẻ với người hâm mộ dù có lịch sử phát triển cỡ... 2.500 năm!
Có nguồn gốc từ vùng Trung Á, có thể là của dân tộc Uzbekistan, kurash là môn võ có nhiều nét tương đồng với judo và vật nhưng những đòn đánh, khóa siết và vật dưới thắt lưng đều bị cấm. Những yếu tố này khiến cho kurash trở thành môn thể thao kịch tính, đẹp mắt với người xem và an toàn cho các võ sĩ.
Cũng do đòn thế gần giống với judo, khi kurash được đưa vào Việt Nam để chuẩn bị tranh tài ở Đại hội Thể thao và Võ thuật trong nhà châu Á 2009 (AIG 3), một bộ phận võ sĩ judo đã chuyển sang tập luyện bộ môn này mà tiên phong chính là nữ võ sĩ tên tuổi một thời Văn Ngọc Tú. Kurash mang về khá nhiều huy chương cho thể thao Việt Nam ở các kỳ AIG 2009, AIMAG 2013, 2017, kể cả HCV trẻ thế giới 2016, HCV Giải Vô địch thế giới 2013.
Nguyễn Thị Lan (phải) giành HCV đối kháng kurash hạng dưới 70 kg nữ Ảnh: NGỌC LINH
Ở lần đầu tiên kurash được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của SEA Games 30, tuyển Việt Nam lập tức khẳng định sức mạnh dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều do đây chưa phải là môn Olympic. Tuy nhiên, nhìn lại cả một chặng đường xây dựng phong trào kurash và thử lửa ở rất nhiều đấu trường để có được lứa võ sĩ "vàng" hôm nay như Hoàng Thị Tình, Trần Thương, Trần Thị Thanh Thủy, Lê Đức Đông, Vũ Ngọc Sơn, Bùi Minh Quân, Nguyễn Thị Lan - 7 nhà vô địch SEA Games 30 - không hề là điều đơn giản. Thành tích của kurash là một trong những "mỏ vàng" mới của võ thuật, góp phần củng cố thành tích của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games lần này.
"Duyên" của cử tạ có vẻ như đã dồn hết cho Lại Gia Thành và Vương Thị Huyền, giúp tuyển Việt Nam sớm hoàn thành chỉ tiêu thành tích tại đại hội lần này. Bởi chỉ một ngày sau, ngay cả nhà vô địch SEA Games 2 năm trước Thạch Kim Tuấn cũng không thể tái lập thành tích khi thua sát sao "lão tướng" Irawan Eko Yuli (Indonesia). Chút an ủi với Thạch Kim Tuấn khi thành tích lần này giúp anh tiếp tục trụ vững trong tốp các lực sĩ dẫn đầu thế giới hạng 61 kg nam và tràn trề hy vọng giành quyền tham dự Olympic Tokyo mùa hè 2020.
Cùng với Thạch Kim Tuấn, 2 đồng đội nữ Ngô Thị Quyên (49 kg) và Nguyễn Thị Thúy (55 kg) cũng không thể giành chiến thắng cao nhất, trong đó, cuộc rượt đuổi giữa Nguyễn Thị Thúy và lực sĩ chủ nhà Hidilyn Diaz diễn ra vô cùng kịch tính mà chiến thắng hết sức thuyết phục đã thuộc về á quân Olympic Rio 2016, đương kim vô địch ASIAD 2018 người Philippines.
Bóng rổ 3x3 nam lần đầu tham dự SEA Games đã giành ngay tấm HCĐ lịch sử, còn tuyển thủ quê Đắk Lắk Nguyễn Thị Phương Trinh cũng để lại dấu ấn với tấm HCĐ nội dung 2 môn phối hợp cá nhân nữ ngay lần đầu tiên triathlon (bơi - đạp xe - chạy bộ) có tên trong chương trình thi đấu tại SEA Games, đó chính là tiền đề cho những bộ môn thể thao Olympic này có cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương thành tích đoàn TTVN
Chiều 2-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi đoàn TTVN tham dự SEA Games 30. Thủ tướng viết: "Thay mặt Chính phủ, tôi rất vui mừng và nhiệt liệt biểu dương thành tích bước đầu của toàn thể cán bộ, HLV và các VĐV đoàn TTVN tham dự SEA Games 30, đặc biệt là đội tuyển bóng đá nữ quốc gia đã nỗ lực, cố gắng thi đấu kiên cường trong các trận đấu vừa qua. Với tình cảm thân thương và niềm tin chiến thắng, tôi mong rằng dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung, toàn đội tiếp tục phát huy phẩm chất kiên cường, bất khuất của phụ nữ Việt Nam, truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, chuẩn bị thật tốt, đoàn kết, thi đấu hết mình, với quyết tâm và khát vọng chiến thắng, hướng tới bảo vệ thành công HCV SEA Games".
Thủ tướng cũng đánh giá cao đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam đã thi đấu xuất sắc. Thủ tướng chúc mừng những thành tích nổi bật của toàn thể các đội tuyển, VĐV khác trong đoàn TTVN tại SEA Games 30 và khẳng định cả nước luôn bên cạnh các đội tuyển, VĐV thân yêu và mong chờ những thành công mới làm rạng danh Tổ quốc Việt Nam.
15 gương mặt vàng của thể thao Việt Nam
Đinh Thị Như Quỳnh (xe đạp băng đồng nữ), Nguyễn Đức Hòa - Nguyễn Thị Hải Yến (khiêu vũ thể thao, nội dung quicksteps), Vương Thị Huyền (cử tạ nữ, 45 kg), Lại Gia Thành (cử tạ nam, 55 kg), Nguyễn Đoàn Minh Trường - Nguyễn Trọng Nhã Uyên (khiêu vũ thể thao, nội dung jive), Vũ Thị Thanh Bình (võ gậy, dưới 55 kg nữ), Đào Thị Hồng Nhung (võ gậy, dưới 65 kg nữ), Nguyễn Thị Cẩm Nhi (võ gậy, trên 60 kg nữ), Trần Thương (kurash, dưới 90 kg nam), Hoàng Thị Tình (kurash, dưới 52 kg nữ), Nguyễn Thị Lan (kurash, dưới 70 kg nữ), Trần Thị Thanh Thủy (kurash, 70 kg nữ), Lê Đức Đông (kurash, dưới 66 kg nam), Vũ Ngọc Sơn (kurash, dưới 73 kg nam), Bùi Minh Quân (kurash, dưới 81 kg nam).
Đào Tùng (Người Lao động)