Kinh tế

Tài chính

Siết chặt an ninh ngân hàng, bảo đảm an toàn tối đa tiền của dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Toàn hệ thống phải quán triệt bảo đảm an ninh ngân hàng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để mất tiền của người dân trong kho quỹ, tài khoản ngân hàng dù chỉ là một đồng của người dân cũng mang lại tâm lý nặng nề, mất uy tín ngân hàng.

Đây là ý kiến của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức tín dụng trên toàn quốc và nhằm triển khai một số nội dung về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng trong tình hình hiện nay, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 31-5.

 

Hội nghị triển khai một số nội dung về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng trong tình hình hiện nay.
Hội nghị triển khai một số nội dung về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng trong tình hình hiện nay.

Theo NHNN, trong những năm qua, NHNN đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai khá đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Các cơ chế chính sách, quy định về bảo mật thông tin, an ninh mạng, an toàn kho quỹ, huy động tiền gửi tiết kiệm thường xuyên được rà soát, ban hành mới, sửa đổi bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, cơ sở vật chất của NHNN được đầu tư, nâng cấp hiện đại, tạo nền tảng quan trọng cho hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Các tổ chức tín dụng đã chú trọng ban hành, cập nhật các quy chế, quy trình nội bộ; tăng cường đầu tư nguồn nhân lực, tài chính, đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, bảo mật, tăng cường công tác an ninh, bảo vệ nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Ngành ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân trong việc trao đổi thông tin, kịp thời phối hợp, xử lý nhiều vụ việc xâm phạm đến an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

Trước diễn biến tình hình tấn công mạng trên thế giới và trong nước gia tăng, NHNN đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động giao dịch tiền mặt, giao dịch tiền gửi tiết kiệm, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thanh toán thẻ, bảo đảm an toàn kho quỹ, trụ sở ngân hàng.

Nhìn nhận khách quan, qua đánh giá, hệ thống thanh toán của Việt Nam vẫn được an toàn, số lượng, tỉ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra ít, chỉ là hy hữu, tỉ lệ rủi ro khá thấp so với thế giới.

Tuy nhiên, với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình an ninh, tội phạm trên thế giới và trong nước gia tăng, tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng ngày càng diễn biến phức tạp.

NHNN và các cơ quan bảo đảm an ninh đặc biệt chú  ý đến các vụ việc mất an toàn xảy ra trong hoạt động ngân hàng thời gian gần đây làm thất thoát tài sản của Nhà nước, của tổ chức tín dụng và khách hàng, đe dọa tính mạng của cán bộ, nhân viên ngân hàng, ảnh hưởng đến uy tín và an toàn của hệ thống ngân hàng.

Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục C45 Bộ Công an cho rằng, khác với thông thường, các loại tội phạm ngân hàng thường có sự điều tra, nghiên cứu nắm quy luật kỹ càng các nhân viên trước khi hành động, thời gian phạm tội chọn thời điểm kỹ càng và thường rất nhanh. Hơn nữa, kinh nghiệm trên thế giới, nhiều ổ nhóm tội phạm cướp ngân hàng thường có tổ chức quy mô khá nguy hiểm.

“Do đó, thời gian tới hệ thống ngân hàng cần đặc biệt chú trọng đến hệ thống an ninh hiện đại, nhân viên an ninh có kinh nghiệm, đồng thời tăng cường sự kết nối, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để bảo đảm an ninh”, Đại tá Phạm Văn Tám lưu ý.

Đại diện ngành ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, việc NHNN tổ chức Hội nghị với quy mô toàn quốc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của ngành ngân hàng đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Các ngân hàng cần xác định công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm, có tầm quan trọng đặc biệt trong tình hình hiện nay. Trên cơ sở đó, cần xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như: Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, quy chế, quy định của NHNN cũng như các quy trình, quy định nội bộ của từng tổ chức tín dụng, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận trong các hoạt động nghiệp vụ.

Cần tăng cường giáo dục cán bộ, nhân viên trong hệ thống ngân hàng nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, các quy định, quy trình nội bộ của đơn vị, nâng cao tinh thần cảnh giác, ngăn ngừa mọi diễn biến phức tạp có thể xảy ra ảnh hưởng đến cán bộ, tài sản và uy tín hoạt động ngân hàng.

Các đơn vị trong hệ thống cần coi trọng trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện kịp thời sai phạm trong các giao dịch hoạt động ngân hàng. Cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, điều kiện phương tiện làm việc với chuẩn mực cao hơn, bảo đảm phục vụ tốt cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; triển khai áp dụng các thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao.

Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng là cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt những kiến thức cần thiết về tài chính, ngân hàng, các quy định của pháp luật trong giao dịch ngân hàng, những thủ đoạn của tội phạm, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa rủi ro, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

Để làm tốt nhiệm vụ, các đơn vị trong hệ thống ngân hàng cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan như Cơ quan Cảnh sát điều tra (C45) và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) để bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ của hệ thống ngân hàng; tình hình và các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong hoạt động ngân hàng; tình hình và các giải pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động thanh toán thẻ; một số vấn đề an toàn trong quản lý hoạt động tiền gửi tiết kiệm.

“Toàn hệ thống phải quán triệt bảo đảm an ninh ngân hàng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để mất tiền của người dân trong kho quỹ, tài khoản ngân hàng dù chỉ là một đồng của người dân cũng mang lại tâm lý nặng nề, mất uy tín ngân hàng. Cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu dù xảy ra ở bất cứ cấp nào. Trong việc ứng xử chế tài phải có trách nhiệm của người đứng đầu khi thiếu trách nhiệm để xảy ra những vụ việc. Quan điểm này phải xuyên suốt, quán triệt, biến thành hành động, chỉ đạo cũng như xử lý vụ việc nếu có xảy ra”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh với chi nhánh NHNN và các tổ chức tín dụng trên toàn quốc.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm