Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) và kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với khoảng 2.400 đại biểu tham dự. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Cùng dự có các đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Còn nhiều hạn chế, tồn tại
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả; đồng thời, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV.
Với tinh thần đó, hội nghị đã đánh giá về công tác triển khai đối với 23 luật, 29 nghị quyết. Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe 2 báo cáo quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ khái quát về 4 nội dung chủ yếu gồm: Việc tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, những kết quả đạt được, vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và một số giải pháp, kiến nghị; đánh giá một số vấn đề nổi lên về công tác tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến trước kỳ họp thứ 5; công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; một số yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Báo cáo tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập nhất định.
“Một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để. Vẫn còn văn bản nợ chưa được ban hành chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ. Một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở chưa phù hợp; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này còn chậm; một bộ phận báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế về kỹ năng, thiếu nguồn nhân lực chuyên biệt phổ biến, giáo dục pháp luật riêng cho đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc thiểu số”-Phó Thủ tướng nêu rõ.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Đ.T |
Đối với tình hình triển khai các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 5, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhìn nhận còn các tồn tại như: Công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đối với việc triển khai luật, nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm nhưng chưa bảo đảm tính toàn diện; việc giám sát văn bản quy định chi tiết trong một số trường hợp chưa đánh giá đầy đủ về tính hợp pháp, thống nhất, tính khả thi và hiệu lực của văn bản, chưa bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, một số luật có số lượng nội dung giao quy định chi tiết nhiều, chưa bảo đảm tính cụ thể; còn một số nội dung thuộc trách nhiệm ban hành văn bản quy định chi tiết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa được các cơ quan chuẩn bị, trình theo đúng kế hoạch.
Ngoài ra, hội nghị đã nghe tham luận của các cơ quan về việc triển khai đối với 21 luật, nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, có những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ như: việc triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ; việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; việc chuẩn bị triển khai Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…
Đáng chú ý, việc thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương cũng gặp phải không ít khó khăn. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đak Lak Lê Thị Thanh Xuân chỉ rõ, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) vẫn còn nhiều dự án trọng điểm chưa được đề xuất phê duyệt chủ trương và nguồn vốn triển khai; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định; nguồn lực ngân sách địa phương cần đối ứng cùng với nguồn vốn vay ODA để thực hiện dự án cần sự hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đak Lak đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực để tỉnh sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nhất là các tuyến đường cao tốc, trong đó có đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, hệ thống giao thông trục dọc, trục ngang kết nối giữa các tỉnh, các khu vực để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh.
Cần sửa đổi các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến tại hội nghị là tình trạng hiểu và áp dụng pháp luật chưa nhất quán giữa các địa phương, còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh bày tỏ: “Dựa trên những ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, chính quyền địa phương, VCCI đã nêu những điểm chồng chéo, vướng mắc cụ thể trong các đạo luật về đầu tư, đất đai, xây dựng để cơ quan nhà nước xem xét, có giải pháp tháo gỡ. VCCI cũng đã tham gia rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tổng hợp ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, địa phương để xây dựng báo cáo, đưa ra kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật”.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng cũng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền rà soát các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất hoặc chưa phù hợp trong hệ thống văn bản pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung; tiếp tục rà soát kịp thời các văn bản giải thích, hướng dẫn các quy định còn chưa rõ của các luật, pháp lệnh, nghị quyết đang vướng mắc trong thực tiễn, tạo thống nhất trong nhận thức và thực hiện.
Để khắc phục những hạn chế trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”. Các bộ, ngành thường xuyên chủ động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động lập đề nghị xây dựng và tổ chức soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương những nỗ lực, sự chủ động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai, đưa luật, nghị quyết đi vào cuộc sống. Từ những khó khăn, vướng mắc mà các đại biểu nêu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ 9 nhóm nhiệm vụ cần tập trung ưu tiên để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Tập trung hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024 gắn với tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, luật pháp còn lại của cả nhiệm kỳ. Tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội. Hội đồng nhân dân và UBND các cấp, đặc biệt là các địa phương thực hiện thí điểm theo các nghị quyết của Quốc hội tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật ở địa phương…
“Sự đồng hành rất trách nhiệm, chủ động, hiệu quả và giám sát chặt chẽ của Quốc hội, cùng với năng lực và quyết tâm tổ chức thi hành pháp luật một cách nghiêm túc, sáng tạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan như được thể hiện rõ nét qua thành công của hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện “quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”, góp phần để công tác triển khai luật, nghị quyết sẽ có những chuyển biến rõ nét, đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn trong thời gian, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, sự kỳ vọng và tin tưởng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân”-Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.