Pháp luật

Siết chặt quản lý gây nuôi động vật hoang dã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, công tác quản lý hoạt động gây nuôi các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, người nuôi đã chủ động khai báo với ngành chức năng để giám sát, quản lý chặt chẽ vật nuôi, đồng thời tự nguyện giao nộp cho cơ quan chuyên môn chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên.

Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT), trên địa bàn tỉnh hiện có 110 cơ sở gây nuôi động vật rừng, trong đó có 53 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường và 57 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Tất cả các cơ sở này đều được Chi cục Kiểm lâm tỉnh hướng dẫn để cấp mã số cơ sở nuôi cũng như lập bảng kê lâm sản theo đúng quy định.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, từ đầu năm đến nay đã có 3 hộ dân ở TP. Pleiku và huyện Chư Prông tự nguyện giao nộp 2 cá thể khỉ đuôi lợn và 1 cá thể cu li cho cơ quan chuyên môn chăm sóc, bảo tồn thả về môi trường tự nhiên. Ông Phạm Hoàng Vũ (thôn 1, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) cho biết: Tháng 6-2023, khi thấy một người dân địa phương dắt 1 con khỉ đuôi lợn đang bị thương đi trên đường, ông đã đến xin và mang về chăm sóc với mục đích sau khi chữa lành vết thương cho vật nuôi sẽ giao lại cho cơ quan chuyên môn.

Người dân tự nguyện giao nộp cá thể khỉ đuôi lợn quý hiếm cho lực lượng Kiểm lâm để thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: N.D

Người dân tự nguyện giao nộp cá thể khỉ đuôi lợn quý hiếm cho lực lượng Kiểm lâm để thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: N.D

“Sau một thời gian nuôi dưỡng, con khỉ đuôi lợn đã đảm bảo sức khỏe nên tôi tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng. Được biết, cá thể khỉ đuôi lợn này thuộc nhóm IIB-nguy cấp, quý, hiếm. Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra sức khỏe, kiểm dịch thú y, sau đó tiến hành bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) thả về môi trường tự nhiên”-ông Vũ nói.

Thời gian qua, hầu hết cơ sở gây nuôi đều chấp hành các quy định của Nhà nước về gây nuôi động vật rừng, truy xuất nguồn gốc lâm sản đối với động vật rừng. Ông Đinh Ích Hiệp-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai-cho hay: Trên địa bàn huyện có 2 cơ sở nuôi động vật rừng. Các cơ sở này đều chấp hành các quy định về truy xuất nguồn gốc lâm sản đối với động vật rừng, đồng thời thường xuyên liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn hồ sơ thủ tục đầy đủ theo quy định. Các cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật rừng nên hạn chế thấp nhất hoạt động mua bán động vật rừng.

Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, bảo vệ động vật hoang dã tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Nguyễn Diệp

Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, bảo vệ động vật hoang dã tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Nguyễn Diệp

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, công tác quản lý động vật hoang dã hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Hoạt động gây nuôi còn mang tính tự phát, chưa có kinh phí nghiên cứu, đánh giá hiện trạng nuôi sinh sản, sinh trưởng của từng cá thể, loài. Bên cạnh đó, chưa có quy trình kỹ thuật gây nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, quy cách chuồng trại. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm động vật hoang dã hiện gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với P.V, ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Những năm gần đây, hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân đã tự nguyện giao nộp những cá thể động vật quý, hiếm cho cơ quan chuyên môn để bảo tồn nguồn gen quý, hiếm đa dạng sinh học. Không những vậy, các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã đều chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm.

“Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong hoạt động gây nuôi động vật hoang dã. Bên cạnh đó, đề xuất, kiến nghị với Cơ quan CITES Việt Nam và các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn về điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm thống nhất từ trung ương đến địa phương. Hỗ trợ kinh phí cho địa phương theo dõi, cập nhật diễn biến động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Thống nhất các văn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gây nuôi, đăng ký gây nuôi động vật hoang dã hợp pháp. Mở các lớp tập huấn cho lực lượng kiểm lâm ở các địa phương nhận dạng nhanh các loài động vật hoang dã và trang bị kỹ thuật, phương tiện để thực thi nhiệm vụ hiệu quả. Đặc biệt, sớm ban hành quy trình kỹ thuật gây nuôi, chăm sóc, phòng bệnh động vật hoang dã về quy cách chuồng trại để làm cơ sở kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật”-ông Hà thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm