Kinh tế

Giá cả thị trường

Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính hoạt động, ngăn ngừa các hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình này, Sở Công thương Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025.

Mạng lưới kinh doanh dần thu hẹp

Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh. Trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Các nhà phân phối này được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Hầu hết các đơn vị khi phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp đến các địa phương thường không đăng ký địa chỉ giao dịch; người tham gia bán hàng đa cấp hoạt động theo hình thức cơ động, tư vấn bán hàng tận nơi thông qua các mối quan hệ bạn bè, bà con. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng cũng không có nhiều thông tin để kiểm tra, kiểm soát hoạt động này. Trong số 12 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, chỉ 1 doanh nghiệp có chi nhánh, còn lại thì ủy quyền cho các cá nhân có hộ khẩu thường trú tại Gia Lai làm người đại diện. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, vì đa số người đại diện không nắm được hoạt động kinh doanh, số lượng người trong mạng lưới đa cấp tại địa phương. Họ chỉ đóng vai trò là người trung gian nhận và gửi tài liệu giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Nhà phân phối nhập hàng của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội-Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo



Thời gian qua, các quy định của pháp luật về lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đã siết chặt hơn. Cùng với đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo giúp người dân ý thức được các rủi ro khi tham gia các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng nên có tâm lý đề phòng trước các lời dụ dỗ. Tuy nhiên, kinh doanh theo phương thức đa cấp có đặc thù là việc quảng cáo, giới thiệu thông tin và bán sản phẩm cho người tiêu dùng được các công ty thực hiện thông qua mạng lưới các nhà phân phối bằng phương thức truyền miệng, do đó khó kiểm soát tính chính xác của thông tin đến người tiêu dùng. Trên thực tế, người dân vẫn còn định kiến sau những vụ lợi dụng kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo. Do vậy, những doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển mạng lưới và bán hàng. Sau một thời gian đi vào hoạt động, mạng lưới bị thu hẹp nên chỉ còn hơn 3.000 nhà phân phối trên địa bàn tỉnh, doanh thu năm 2021 chỉ đạt 70 tỷ đồng.

Hiện nay, trong số 12 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có vài doanh nghiệp duy trì được số lượng người tham gia, còn lại đa phần mạng lưới bị thu hẹp gần hết. Bà Đoàn Thị Hoa (phường Ia Kring, TP. Pleiku) là người được Công ty TNHH Best World Việt Nam ủy quyền làm đại diện tại Gia Lai chia sẻ: “Sản phẩm của Công ty chủ yếu là mỹ phẩm dưỡng da, thực phẩm chức năng của Hàn Quốc. Năm 2018, mạng lưới nhà phân phối ở Gia Lai tương đối rộng khắp. Nhưng trong 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, số lượng giảm đi gần hết, cho đến bây giờ chỉ còn một vài người tham gia bán hàng. Mạng lưới kinh doanh đang ngày càng bị thu hẹp bởi việc bán sản phẩm gặp nhiều khó khăn”.

Trong khi đó, mạng lưới người tham gia bán hàng của Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam tại Gia Lai hiện có 200 người; trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng đạt hơn 450 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Chờ (huyện Kbang) là người đại diện được ủy quyền tại Gia Lai cho biết: “Công ty chủ yếu bán các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thực phẩm bổ sung sức khỏe của Mỹ. Mạng lưới kinh doanh trong đội của tôi có 50 người, chủ yếu là cộng tác viên, khách hàng sử dụng sản phẩm cũng như các spa. Khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thấy chất lượng, họ tiếp tục mua dùng và giới thiệu cho nhiều người cùng sử dụng”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước

Ngày 5-8-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1082/KH-UBND về thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án trong giai đoạn 2021-2025 theo lĩnh vực quản lý của ngành. Mục đích của kế hoạch là nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp. Qua đó, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp, đảm bảo môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hợp pháp, giảm thiểu thiệt hại cho người dân trước các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.

Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam tổ chức sự kiện chuẩn bị mở bán sản phẩm Collagen Plus. Ảnh: Vũ Thảo
Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động gồm: Công ty TNHH một thành viên New Image Việt Nam, Công ty TNHH AMWAY Việt Nam, Công ty TNHH Best World Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Herbalife Việt Nam, Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Lô Hội, Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam, Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế, Công ty TNHH Oriflame Việt Nam, Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam, Công ty TNHH Gcoop Việt Nam, Công ty TNHH Seacret. Ngành hàng kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp này là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng tiêu dùng…

Về giải pháp cụ thể, Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngành sẽ tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cho doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp và người dân để nâng cao nhận thức, hiểu đúng về kinh doanh theo phương thức đa cấp; hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp nắm bắt và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; cảnh báo về các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép, trá hình nhằm hạn chế nguy cơ người dân tham gia các hệ thống này. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan để kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, công khai thông tin kết quả xử lý vi phạm; thiết lập kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, tố cáo, kịp thời xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Đồng thời, cảnh báo thường xuyên các hiện tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp biến tướng để nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên, người cao tuổi và người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cung cấp thông tin, dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp; gửi các kết quả thực hiện thủ tục hành chính về bán hàng đa cấp (xác nhận hoặc không xác nhận), thông tin về chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp... cho các cơ quan có liên quan để thực hiện công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, ngành Công thương tỉnh sẽ phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, công chức của một số sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp thực hiện công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

 

 VŨ THẢO

 

Có thể bạn quan tâm