(GLO)- Số hóa truyền hình mặt đất là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm thúc đẩy truyền hình trong nước phát triển theo xu hướng thế giới. Nhờ đó, người dân sẽ được thụ hưởng nhiều kênh chương trình và chất lượng dịch vụ cao hơn với công nghệ tiên tiến.
Theo kế hoạch số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước ngày 31-12-2020, các đài truyền hình trong phạm vi cả nước kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất (DVB-T2). Theo lộ trình này, Gia Lai sẽ chính thức ngừng phát sóng truyền hình analog trên địa bàn tỉnh vào ngày 30-11-2020.
Ông Hà Văn Hóa-Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh-cho biết: “Ưu điểm của số hóa truyền hình mặt đất là chỉ cần 1 máy phát, khác với truyền hình analog là cần nhiều máy phát. Số hóa truyền hình mặt đất sẽ tiết kiệm tần số quản lý cho Nhà nước, tiết kiệm năng lượng, điện năng tiêu thụ, giảm số người trực, quản lý. Chất lượng máy phát cũng cao hơn so với truyền hình analog”. Bên cạnh đó, theo ông Hóa, số hóa truyền hình mặt đất sẽ giúp truyền tải chương trình truyền hình với chất lượng cao hơn, thu được các chương trình chuẩn HD và 3D (3 chiều), giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng băng tần. Nếu như với truyền hình analog, một kênh tần số chỉ phát được một chương trình truyền hình thì truyền hình số DVB-T2 cho phép một kênh tần số phát được tới 20 chương trình.
Những ti vi đời mới đều tích hợp sẵn bộ phận thu phát tín hiệu truyền hình số. Ảnh: H.D |
Ngoài ra, việc chuyển đổi từ truyền hình analog sang số hóa truyền hình mặt đất sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Truyền hình kỹ thuật số cho chất lượng âm thanh, hình ảnh rõ hơn, sắc nét hơn, trung thực hơn, người xem sẽ không gặp phải hiện tượng méo hình, bóng mờ… như khi xem truyền hình analog. Thêm nữa, với truyền hình kỹ thuật số, các đài truyền hình có thể cung cấp thêm nhiều kênh về thông tin, văn hóa, thể thao, giải trí… để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân. Khi đó, người dân không chỉ thu xem được kênh truyền hình của địa phương nơi cư trú mà còn có thể xem được kênh truyền hình của các tỉnh, thành khác trong cùng khu vực.
Tại Gia Lai, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chính thức phát sóng truyền hình số mặt đất từ ngày 12-10-2017, bao gồm các kênh: VTV1 HD, VTV2 HD, VTV3 HD, VTV4, VTV5, VTV6 HD, VTV7, VTV8, VTV9 HD và kênh Truyền hình Gia Lai. Theo đó, kênh chương trình truyền hình Gia Lai (THGL) được truyền tải trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất của VTV.
Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai cho biết thêm: “Hiện tại, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc chấm dứt các kênh analog, chuyển sang số hóa truyền hình mặt đất. Chúng tôi sẽ thường xuyên duy tu, bảo dưỡng máy móc, nhất là máy phát số để làm sao máy phát hoạt động tốt, liên tục, thường xuyên, phủ sóng đến tận vùng sâu, vùng xa để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao”.
Được biết, để xem được truyền hình số, trong điều kiện người dân đang sử dụng ti vi đã mua từ những năm trước, chưa tích hợp bộ thu tín hiệu truyền hình số thì chỉ cần mua thêm một đầu thu tín hiệu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T2 là có thể thu được tất cả các kênh truyền hình thiết yếu. Những ai đang sử dụng truyền hình số VTC thì liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC để được điều chuyển từ DVB-T sang DVB-T2. Riêng các hộ gia đình đang sử dụng truyền hình trả tiền như truyền hình cáp, truyền hình internet, truyền hình K+, AVG... sẽ không bị ảnh hưởng khi truyền hình analog ngừng phát sóng.
Theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách sẽ được hỗ trợ đầu thu kết nối truyền hình số. Điều kiện nhận hỗ trợ là các hộ đã có máy thu truyền hình analog nhưng chưa sử dụng dịch vụ truyền hình số, truyền hình cáp, truyền hình internet. Nguồn kinh phí hỗ trợ trích từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam do các doanh nghiệp viễn thông đóng góp theo quy định của Luật Viễn thông. |
HÀ DUY