(GLO)- Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh, hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản địa phương sẽ tạo động lực cho sự phát triển sản xuất, giúp các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX)… khẳng định thương hiệu, tự tin phát triển. Vì vậy, Gia Lai đang tích cực hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, mã số mã vạch, tiêu chuẩn cơ sở bằng nhiều chương trình thiết thực.
Xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2018, Gia Lai có 219 HTX, trong đó có 142 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 64,8%. Tuy nhiên, theo khảo sát nhanh của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đối với 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thì có trên 70% HTX chưa làm các thủ tục để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang xây dựng thành công thương hiệu Tiêu Lệ Chí. Ảnh: N.T |
Trước thực tế đó, từ đầu năm đến nay, Sở KH-CN đã triển khai nhiều hoạt động như: tiến hành cấp phát miễn phí hàng ngàn sổ tay hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; phát hành đăng bạ nhãn hiệu tỉnh Gia Lai; thành lập và đưa điểm tư vấn xây dựng nhãn hiệu thuộc Sở KH-CN vào hoạt động nhằm phục vụ, hỗ trợ hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong xây dựng nhãn hiệu; phối hợp với các đơn vị thuộc Cục Sở hữu trí tuệ và tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp mở các lớp tập huấn về khai thác quyền sở hữu công nghiệp cho gần 100 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, tư vấn cho gần 30 lượt HTX xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm. Sở KH-CN cũng đã hướng dẫn 10/10 HTX có sản phẩm tham dự Hội chợ Xúc tiến thương mại tại TP. Hồ Chí Minh năm 2019, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm của HTX, hỗ trợ 20 HTX khác có nhu cầu xây dựng nhãn hiệu. Mặt khác, nhằm đẩy mạnh công tác xác lập, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm thế mạnh, Sở đã hỗ trợ các địa phương xây dựng thành công 2 nhãn hiệu chứng nhận là Gạo Phú Thiện và Rau An Khê. Các sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
Là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xác định tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của đơn vị mình. Vì vậy, HTX đã nhanh chóng đăng ký, xây dựng thành công thương hiệu Tiêu Lệ Chí. Ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang-cho biết: “Chúng tôi đã được Sở KH-CN tuyên truyền về lợi ích khi xây dựng và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của HTX thông qua các lớp tập huấn và trao đổi với bộ phận hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu của Sở. Qua đó, chúng tôi đã tiến hành xây dựng nhãn hiệu cho HTX với sự hỗ trợ của Sở KH-CN. Nhờ vậy, chúng tôi có thể tự tin quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và thế giới, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế của sản phẩm”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ
Tuy nhiên, việc phát triển tài sản trí tuệ trong HTX hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn nhất định như: nhận thức về tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm của HTX còn hạn chế; khó khăn về kinh phí và cơ chế hỗ trợ kinh phí của Nhà nước; nhân lực trong công tác phát triển tài sản trí tuệ của HTX còn thiếu; thời gian từ khi nộp đơn đến lúc được cấp văn bằng bảo hộ kéo dài… Ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (huyện Chư Prông) bày tỏ: “Hợp tác xã chuyên các mặt hàng nông nghiệp như hồ tiêu sạch, mắc ca sạch, trồng trà xanh theo phương pháp hữu cơ… Trước đây, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng hồ sơ, tra cứu thông tin, lựa chọn logo cho HTX để xây dựng nhãn hiệu. Được Sở KH-CN hỗ trợ, tư vấn trong việc xây dựng nhãn hiệu, đến nay, HTX Thảo Nguyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ cho nhãn hiệu của HTX. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục được Sở KH-CN hỗ trợ, tư vấn thêm trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ như bảo vệ, khai thác, phát triển quyền sở hữu trí tuệ của HTX; xây dựng mã số mã vạch, tiêu chuẩn cơ sở và mong muốn Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ của HTX trong thời gian sớm nhất, giúp chúng tôi yên tâm gắn nhãn hiệu của HTX lên các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường”.
Để đẩy mạnh công tác hỗ trợ HTX trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển tài sản trí tuệ đến người dân và doanh nghiệp, Sở KH-CN sẽ tích cực hướng dẫn, hỗ trợ HTX làm thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và xây dựng nhãn hiệu cho HTX nói riêng; phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ hỗ trợ, tư vấn cho 100% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng hồ sơ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của HTX.
NGỌC THU-TẤN THẮNG