Ấn tượng “Vị quê nhà”
Nhiều món ăn đặc trưng của các vùng đất hội tụ tại Ngày hội Ẩm thực Gia Lai diễn ra trong 3 ngày từ 7 đến 9-7 tại tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh (Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku). Gỏi lá Kon Tum, nước mắm bà Mười Phú Yên, nông sản đặc trưng của vùng đất nắng gió Ninh Thuận, heo mẹt Gia Lai, gà nướng cơm lam Jrai, Bahnar, bánh dân gian của vùng đất Nam Bộ hay vùng núi Tây Bắc… đều là ẩm thực đặc trưng cho mỗi vùng đất. Sự hội tụ này thực sự mang đến không gian thưởng thức đậm “vị quê nhà” tại ngày hội.
Gian hàng ẩm thực Nam Bộ thu hút du khách bởi sự bắt mắt của các loại bánh dân gian. Ảnh: H.N |
Gian hàng ẩm thực Nam Bộ thu hút đông đảo du khách bởi sự bắt mắt của hàng chục món bánh dân gian. Chị Nguyễn Thị Băng Trà hào hứng chia sẻ: “Chúng tôi mang tới ngày hội hương vị đặc trưng của vùng đất miền Tây như bánh bò, bánh bò thốt nốt, bánh da heo, bánh lá mơ… Tại ngày hội, cùng với giới thiệu một nét văn hóa đặc trưng Nam Bộ, chúng tôi còn có cơ hội giao lưu với các vùng miền khác, từ đó có thêm cảm nhận về ẩm thực của Việt Nam. Ẩm thực đang có vị thế rất lớn để phát triển du lịch. Vì vậy, tôi mong sẽ có thêm nhiều lễ hội để giới thiệu sự đa dạng món ăn, qua đó thu hút du khách về cho địa phương”.
Hơn nửa thế kỷ sinh sống ở vùng đất Lơ Ku (huyện Kbang), đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc vẫn lưu giữ, trao truyền các món ăn truyền thống như một cách nhắc nhớ nguồn cội. Bà Hoàng Thị Nga cho biết: “Những chiếc bánh giò, bánh ú, bánh nếp mật mía nhân đậu xanh, xôi ngũ sắc… của đồng bào Tây Bắc được chúng tôi giữ nguyên cách làm truyền thống. Gạo nếp, bột nếp, đậu xanh cùng các loại lá, củ, rễ cây tạo màu cho xôi ngũ sắc đều là nguyên liệu của vùng đất Lơ Ku. Mật mía cũng do chúng tôi tự nấu từ những cây mía trồng ở vùng Đông Trường Sơn. Vì vậy, nguyên liệu và bánh làm ở Gia Lai nhưng nhắc nhớ chúng tôi về nguồn cội, gốc gác của mình”. Bà Nga rất bất ngờ khi được khách hàng đón nhận các loại bánh truyền thống của dân tộc Tây Bắc: “Hàng ngàn chiếc bánh các loại chúng tôi chuẩn bị sẵn đã bán hết. 1 thùng bánh giò trăm chiếc chưa đầy 15 phút đã được mua hết. Chị em ở xã Lơ Ku phải làm thêm để đưa đến ngày hội. Chúng tôi còn mang theo nguyên liệu để làm món măng nhường, hấp xôi ngũ sắc của người Tày tại chỗ nên có nhiều thực khách vào tìm hiểu, chụp ảnh”.
Bà Hoàng Thị Nga giới thiệu món bánh truyền thống của các dân tộc Tây Bắc tại Ngày hội. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Người dân và du khách nô nức đến thưởng thức, tìm hiểu ẩm thực truyền thống địa phương và các vùng miền. Vợ chồng anh Hoàng Văn Quỳnh (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) thưởng thức mâm gỏi lá Kon Tum với hàng chục loại lá gia vị chỉ hết 150 ngàn đồng. Anh Quỳnh chia sẻ: “Ngày hội ẩm thực lần này có nhiều đổi mới, các món ăn phong phú hơn. Tôi đặc biệt thích gỏi lá và hay ăn món này mỗi lần có dịp đến Kon Tum. Gỏi lá Út Cưng khá nổi tiếng nên vợ chồng tôi không bỏ lỡ mà thưởng thức ngay tại ngày hội”.
Chuẩn hóa nguồn nhân lực
Hội thi nghiệp vụ du lịch được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức thường niên nhằm tôn vinh đội ngũ lao động trực tiếp trong ngành. Hội thi năm nay thu hút 34 lao động đến từ 9 đơn vị thuộc hệ thống nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. Pleiku. Các thí sinh tham gia thi thực hành và giải quyết tình huống do Ban giám khảo đưa ra ở 4 nghiệp vụ: lễ tân, buồng, nhà hàng và quản lý khách sạn.
Gian hàng gỏi lá Kon Tum-món ăn nức tiếng của vùng đất Bắc Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Tại lễ tổng kết hội thi nghiệp vụ du lịch diễn ra vào tối 8-7, Ban tổ chức đã trao 4 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba và 8 giải khuyến khích cho các thí sinh có thành tích tốt nhất ở 4 nghiệp vụ: lễ tân, buồng, nhà hàng và quản lý khách sạn. Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai có 3 thí sinh đạt giải nhất ở 3 nội dung, cụ thể: Dương Đạt Phong-nghiệp vụ lễ tân, Trần Thị Vân Anh-nghiệp vụ buồng, Trần Bá Huấn-nghiệp vụ quản lý khách sạn. Thí sinh Trần Thanh Vương (Nhà hàng Thiên Đường Xanh) đạt giải nhất nghiệp vụ nhà hàng.
Đạt giải nhất phần thi nghiệp vụ lễ tân, anh Dương Đạt Phong (Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai) cho biết: “7 năm làm lễ tân nên tôi gặp không ít tình huống đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế trong xử lý. Tham gia hội thi, tôi học hỏi thêm kinh nghiệm làm việc. Các bạn làm trong ngành dịch vụ những năm gần đây có sự trẻ hóa, được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ bài bản. Hoạt động này rất bổ ích, góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch, dịch vụ của tỉnh”.
Còn chị Trần Thị Tuyển (Khách sạn Pleiku và Em, giải nhì phần thi nghiệp vụ buồng) thì chia sẻ: “Mặc dù công việc của tôi không tiếp xúc trực tiếp với khách lưu trú, nhưng sự chuyên nghiệp, tỉ mỉ luôn là yếu tố hàng đầu khi phục vụ khách. Để bất cứ vị khách nào dù trải qua 1 đêm nghỉ ở đây cũng cảm nhận được sự ấm áp, chu đáo, mến khách của khách sạn cũng như người Pleiku”.
Ban giám khảo đánh giá phần thi của thí sinh theo Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS). Thí sinh đạt các tiêu chuẩn VTOS là người giỏi tay nghề, có kiến thức rộng và đạo đức nghề nghiệp tốt. Do đó, hội thi còn là dịp để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đánh giá, chuẩn hóa đội ngũ lao động. Không chỉ có các lao động kỳ cựu, hội thi thu hút các sinh viên Khoa Nghiệp vụ-Du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai) tham gia học hỏi, nâng cao kỹ năng, hướng tới chuẩn hóa và bổ sung nguồn nhân lực cho ngành du lịch.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: “Mỗi lao động trực tiếp trong ngành du lịch, thậm chí mỗi người dân đều là nhân tố quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá cho hình ảnh của tỉnh. Đối với lực lượng lao động, từ chuyên môn giỏi, chuyên nghiệp, thái độ thân thiện, mến khách đến hành động, cử chỉ đẹp… đều góp phần tạo nên sự phục vụ văn minh, thân thiện, mang lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách, qua đó giới thiệu, quảng bá bản sắc riêng về du lịch Gia Lai. Hội thi cũng là dịp nhìn nhận lại đội ngũ nhân lực để ngành du lịch tiếp tục có kế hoạch đào tạo, đáp ứng nhu cầu và sự phát triển trong tình hình mới”.