Chính trị

Tin tức

Sớm đánh giá kết quả đầu ra dự án đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với kết quả của 3 năm thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, nhiều đại biểu Quốc hội đã khẳng định, đổi mới trong đầu tư công thời gian qua là đúng đắn và đem lại nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng sự đánh giá đầy đủ hơn về kết quả đầu ra của dự án sau đầu tư.

Giai đoạn 2016 - 2020, tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán đã được khắc phục đáng kể. Ảnh: Lê Tiên



Nguồn lực hạn chế nhưng phải giải quyết nhiệm vụ kép

Thông tin tới đại biểu Quốc hội chiều 29/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước khi Luật Đầu tư công được ban hành, công tác quản lý đầu tư công rất phân tán, nằm ở văn bản dưới luật, hệ quả rất lớn, phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư tùy tiện. Giai đoạn 2016-2020 phải tập trung xử lý hệ quả của giai đoạn trước, trong khi đó còn rất nhiều nhu cầu đầu tư mới.

Trong bối cảnh phải thực hiện nhiệm vụ kép này, kết quả đạt được là giai đoạn 2016-2020 đã giảm rất nhiều tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán. Giai đoạn 2011-2015 có 21.000 dự án, giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 9.620 dự án, trong đó hơn 8.000 dự án của giai đoạn trước chuyển tiếp sang, số dự án khởi công mới rất ít. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, gần 65% số vốn của giai đoạn này tập trung vào trả nợ xây dựng cơ bản, ứng trước, bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước.

Nguồn vốn cho giai đoạn 2016-2020 vì thế càng trở nên hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư là rất lớn, dẫn đến cân đối ngân sách hàng năm gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, cần chia sẻ với Chính phủ và Bộ KH&ĐT. “Nhiều đại biểu phát biểu kiến nghị phải đầu tư có trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, nhưng sau đó lại kiến nghị đầu tư cho tỉnh mình về lĩnh vực này, lĩnh vực kia”, đại biểu Phương thẳng thắn.

Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch hợp lý, tăng tỷ trọng đầu tư các ngành giáo dục và đào tạo, khoa học công nghê, y tế, nông lâm nghiệp, thủy sản, lĩnh vực hạ tầng và thu hồi vốn ứng trước. Số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng tăng, khắc phục được tình trạng dự án đầu tư vượt kế hoạch giao gây nợ đọng xây dựng cơ bản, cắt khúc đầu tư công. Tình trạng quyết định đầu tư tùy tiện đã được hạn chế rất nhiều...

Cần sớm đánh giá hiệu quả dự án

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc hạn chế đầu tư dàn trải tuy có bước tiến mới nhưng vẫn chưa triệt để. Số dự án tuy giảm mạnh nhưng con số 9.620 dự án vẫn là quá lớn.

Đại biểu Mai dẫn ra kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới: Nguồn lực đầu tư từ phía nhà nước hầu như chỉ tập trung vào những dự án có tác động lan tỏa, có tính tác động toàn xã hội. Ví dụ, ở Australia, trong năm 2018 kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ tập trung cho 4 dự án lớn. Ở Hàn Quốc, trong số 20 dự án cao tốc thì có tới 15 dự án được đầu tư bởi thành phần kinh tế tư nhân. “Còn ở Việt Nam, nếu chúng ta làm phép chia một cách cơ học, lấy tổng số nguồn lực chia các dự án thì thấy rằng mong muốn để có được những dự án quy mô lớn thực sự rất khó khăn”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận định.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị phải có sự lựa chọn đầu tư theo hướng tập trung, có trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết tại từng thời điểm, có lộ trình thích hợp để dần dần hoàn thành bức tranh đầu tư công trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch vì một quy hoạch kém sẽ cho ra đời những dự án dàn trải, hiệu quả thấp.

Đại biểu Mai cũng nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư ở những ngành, những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư, không muốn đầu tư hay không được phép đầu tư.

Đặc biệt, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai và nhiều đại biểu Quốc hội khác đề nghị phải đánh giá đầy đủ tính hiệu quả hay kết quả đầu ra của các dự án. “Theo báo cáo của Chính phủ thời gian qua thì số lượng các dự án hoàn thành rất lớn. Trong giai đoạn 2011-2015 tổng số dự án hoàn thành là 1.789 dự án, nếu tính đến hết năm 2018 số lượng sẽ là 6.290 dự án. Tuy nhiên, xét dưới giác độ kết quả đầu ra, hiện nay chưa có báo cáo nào khẳng định là tất cả các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực”, đại biểu Mai nêu vấn đề.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Chính phủ cần hoàn chỉnh sớm bộ tiêu chí về đánh giá hiệu quả đầu ra theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngay từ khi lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra tương xứng với nguồn lực được đầu tư.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần nêu được cụ thể đầu tư công thời gian qua có bao nhiêu dự án đầu tư có hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, nguyên nhân, giải pháp xử lý, xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm.

Nguyệt Minh (BĐT)

Có thể bạn quan tâm