Kinh tế

Giá cả thị trường

Sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương ở Gia Lai đã thực hiện tốt công tác đền bù thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2. Đây là yếu tố quan trọng giúp đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành dự án.      

Dự án đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2 đi qua địa phận 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai. Trong đó, điểm đầu là trạm biến áp 500 kV Dốc Sỏi (tỉnh Quảng Ngãi) và điểm cuối là trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 (tỉnh Gia Lai). Đường dây có tổng chiều dài khoảng 209 km, trong đó, đoạn qua Gia Lai dài 41,509 km gồm có 99 vị trí trụ móng điện: huyện Chư Păh 46 trụ móng, Ia Grai 44 trụ và TP. Pleiku 9 trụ.

Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đến kiểm tra và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án. Ảnh: Hà Duy
Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đến kiểm tra và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án. Ảnh: Hà Duy


Tại huyện Chư Păh, đường dây đi qua có tổng chiều dài 19,6 km trên địa bàn 4 xã: Ia Khươl, Hòa Phú, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng và thị trấn Phú Hòa. Theo đó, diện tích đất phải thu hồi để thi công trụ móng là hơn 18.400 m2 của 53 cá nhân; tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 672.500 m2 của 273 hộ/355 thửa đất. Trong quá trình triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, có 47/53 hộ dân đồng tình với phương án đền bù thu hồi đất và tự nguyện bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; 6 hộ không đồng tình với phương án đền bù.

Ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho biết: “Để đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, đối với các hộ không chịu bàn giao mặt bằng, sau thời gian thuyết phục, vận động không thành, huyện đã kiên quyết thực hiện cưỡng chế theo đúng quy định, không tạo ra tiền lệ xấu trong việc thu hồi đất. Đến thời điểm này, địa phương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư”.

Tại TP. Pleiku, dự án có 9 vị trí trụ móng, trong đó, xã Diên Phú 2 vị trí và Ia Kênh 7 vị trí. Ông Võ Phúc Ánh-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho hay: “Khi bắt đầu triển khai dự án, thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao diện tích đất bị ảnh hưởng khi đường dây đi qua, giải thích cho bà con hiểu tầm quan trọng của dự án nên nhận được sự đồng thuận cao. Hiện mặt bằng phần trụ móng lẫn hành lang tuyến, thành phố đều đã hoàn thành đền bù thu hồi đất và bàn giao cho đơn vị thi công”.

Dự án đường dây 500 KV Dốc Sỏi-Pleiku 2 đang nỗ lực hoàn thành vào cuối năm 2020. Ảnh: Hà Duy
Dự án đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2 đang nỗ lực hoàn thành vào cuối năm 2020. Ảnh: Hà Duy

Dự án đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2 là 1 trong 3 dự án nhỏ thuộc dự án đường dây 500 kV mạch 3, có tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu khởi công cuối tháng 12-2018 và dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành vào cuối năm 2020. Đây là các công trình điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với mục tiêu tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500 kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công trụ móng tại huyện Chư Păh, Ia Grai và TP. Pleiku cơ bản đã hoàn thành; phần xây dựng và xây lắp mở rộng tại các trạm biến áp 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2 cũng đã xong. Nhà thầu tiến hành lắp đặt thiết bị cùng một số hạng mục, đang chờ lịch cắt điện để lắp đặt, đấu nối.

Tuy nhiên, trên hành lang tuyến vẫn còn một số hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù. Cụ thể, tại huyện Chư Păh, khi triển khai dự án sẽ phải mượn tạm phần đất của 1 hộ dân để vận chuyển nguyên vật liệu vào vị trí móng và thi công đào chôn tiếp địa, điều này ảnh hưởng đến cây trồng cũng như một số vật kiến trúc trên đất.

Hiện tại, hộ này chưa đồng thuận chi phí đền bù nên dự án vẫn chưa thể triển khai thi công đào đúc móng. Cùng với đó, trên hành lang tuyến có tổng cộng 273 hộ dân bị ảnh hưởng, đến nay vẫn còn 2 hộ chưa đồng thuận phương án bồi thường về đơn giá cây trồng, nhà cửa, vật kiến trúc… Còn huyện Ia Grai đã hoàn thành bàn giao mặt bằng toàn bộ 44 vị trí móng trụ cho đơn vị thi công; riêng phần hành lang tuyến vẫn còn 4/212 hộ dân chưa thống nhất phương án đền bù.


Ông Nguyễn Văn Chiến-cán bộ phụ trách công tác giải phóng mặt bằng (Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung) thông tin: “Thời gian thi công dự án không còn nhiều, trong khi khối lượng còn lại rất lớn. Vì vậy, để hoàn thành đóng điện công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm trình UBND tỉnh phương án hỗ trợ phù hợp đối với các thửa đất, nhà cửa, vật kiến trúc bị ảnh hưởng để làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời, UBND các huyện cần tiếp tục đối thoại, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng trong hành lang tuyến đồng thuận theo quyết định phê duyệt và bàn giao mặt bằng để dự án sớm hoàn thành theo kế hoạch”.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm