Điển hình, Bitcoin từ mức chưa đến 70.000 USD/coin vào ngày 5.11 đã gần cán mức 100.000 USD/coin, tăng gần 50% chỉ trong vòng 2 tuần.
Mức tăng như vậy khiến giới đầu tư "lên đồng". Và những kỳ vọng giá "tiền ảo" sẽ còn lên nữa vì nhận được sự ủng hộ từ chính quyền sắp tới của ông Trump, nên nhiều người hào hứng sẵn sàng "xuống tiền" vào loại hình đầu tư này.
Đến nay, chưa có một thống kê chính thức và xác tín nào về số tiền mà người VN đầu tư vào "tiền ảo". Tại một sự kiện về blockchain hồi tháng 6 ở TP.HCM, một báo cáo trích dẫn số liệu từ công ty tư vấn tại Mỹ cho rằng dòng "tiền ảo" vào VN đã lên đến 120 tỉ USD. Tất nhiên, tính chính xác của con số này cần được kiểm chứng, nhưng có lẽ qua những biểu hiện thực tế thì số tiền từ VN đầu tư vào "tiền ảo" là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, như Thanh Niên phản ánh mới đây, các sàn giao dịch "tiền ảo" đang "trỗi dậy" giữa bối cảnh thị trường chứng khoán đang lắng xuống. Với những gì đang diễn ra, danh mục đầu tư này còn có thể tăng nhanh trong thời gian tới.
Trong khi đó, nếu như nhiều quốc gia đã ban hành luật để quản lý, thì VN đến nay vẫn chưa công nhận "tiền ảo" nên thực tế thị trường này tồn tại mà gần như không bị quản lý, tiền đầu tư vẫn chảy vào. Thực tế vừa nêu dẫn đến nhiều rủi ro không chỉ cho người dân tham gia đầu tư mà cả nền kinh tế. Với người đầu tư "tiền ảo" thì xem như không được pháp luật bảo vệ dù "tiền ảo" ngày càng trở nên phổ biến.
Còn ở tầm vĩ mô của nền kinh tế, nếu không kiểm soát hiệu quả, "tiền ảo" có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Thứ nhất là khoản thu ngân sách dựa trên thuế thu nhập đối với nguồn lãi từ kinh doanh, đầu tư "tiền ảo". Thứ hai, việc người dân đầu tư vào "tiền ảo" thì tất nhiên sẽ làm giảm bớt nguồn đầu tư khác cho nền kinh tế. Trong khi theo xu hướng chung của thế giới cũng như điều kiện công nghệ ngày nay, việc cấm đầu tư "tiền ảo" lại gần như không thể thực thi. Chính vì thế, nếu không kiểm soát hiệu quả nguồn tài chính đầu tư vào "tiền ảo" sẽ dẫn đến nhiều hệ quả cho nền kinh tế.
Không những vậy, giữa bối cảnh thị trường "tiền ảo" bùng nổ, nhiều chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới cũng như các công ty tư vấn đầu tư đã cảnh báo về nguy cơ "bong bóng" của loại hình này. Nếu nguy cơ vừa nêu trở thành sự thật kết hợp cùng nguồn tiền lớn từ VN đầu tư vào mà cơ quan không thể kiểm soát, thì hậu quả tác động có thể rất khó lường. Những nguy cơ vừa nêu hoàn toàn hiện hữu!
Tại phiên họp Quốc hội ngày 23.11, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Thành Long trình Quốc hội về luật Công nghiệp công nghệ số, với đề xuất luật hóa quy định về tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn. Đây có thể là cơ sở quan trọng để quản lý "tiền ảo". Vì thế, trước những lý do cấp bách trên, chúng ta cần sớm hoàn thiện luật này và các quy định liên quan nhanh nhất có thể.
Theo Ngô Minh Trí (TNO)