(GLO)- Lời Tòa soạn: Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng phát triển nông nghiệp, giúp người dân các xã biên giới đa dạng hóa sản xuất, ổn định cuộc sống. Đến nay, mặc dù các công trình đầu mối đã hoàn thành, hệ thống kênh tưới cũng dần hoàn thiện nhưng chưa có vùng tưới. Hiện địa phương đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn về thủ tục chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp để phát huy hiệu quả công trình.
Dự kiến khi hoàn thành, công trình thủy lợi Ia Mơr sẽ phục vụ nước tưới cho 12.500 ha cây trồng trên địa bàn huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) và Ea Soup (tỉnh Đak Lak), đồng thời cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 50 ngàn dân ở khu vực quanh hồ. Tuy nhiên vướng mắc lớn nhất hiện nay là khoảng 7.500 ha đất quy hoạch đồng ruộng hiện vẫn còn là đất rừng chưa được chuyển đổi. Trước đó, các công trình giai đoạn 1 của dự án (hồ chứa nước Plei Pai, đập dâng Ia Lốp) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2010, mang lại nhiều khởi sắc cho cuộc sống của người dân vùng biên.
Kết quả bước đầu
Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống kênh chính thuộc dự án Công trình thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: M.N |
Dự án Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr được triển khai thực hiện từ năm 2005 với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Công trình gồm 2 hợp phần chính là hồ chứa nước Plei Pai, đập dâng Ia Lốp và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr, hệ thống kênh tưới. Năm 2010, hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang lại niềm vui lớn cho người dân vùng dự án, góp phần giải “cơn khát” nước tưới cây trồng các xã thuộc huyện Chư Prông. Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và PTNT)-chủ đầu tư dự án, việc hồ chứa Plei Pai và đập dâng Ia Lốp hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý và sử dụng đã tạo điều kiện phát triển sản xuất lúa nước 2 vụ trên cánh đồng rộng khoảng 1.500 ha tại địa bàn xã Ia Lâu và Ia Piơr, giúp người dân ổn định sản xuất, không còn lo thiếu nước như những năm trước đây.
Ông Ngân Văn Đản (thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu) cho biết: Nhờ có nguồn nước từ hồ chứa Plei Pai và đập dâng Ia Lốp nên bà con yên tâm sản xuất lúa nước 2 vụ ổn định mà không còn lo hạn hán. “Hiện gia đình tôi sản xuất 1 ha lúa nước, không những đủ ăn mà còn có dư để bán. Trước kia, vì thiếu nước tưới nên gia đình chỉ gieo trồng 1 vụ, thu được 50 bao lúa thì bây giờ thu được gấp đôi”-ông Đản cho hay. Cùng niềm vui này, bà Hà Thị Duyên (cùng thôn) phấn khởi: “Người dân trong thôn không còn lo thiếu gạo ăn. Hầu như nhà nào cũng sản xuất lúa nước 2 vụ nên cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều”.
Ấm no một vùng
Người dân xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, Gia Lai) thu hoạch lúa. Ảnh: M.N |
Từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp đã tạo động lực cho người dân chủ động sản xuất, từng bước hình thành cánh đồng chuyên canh rộng hàng trăm héc ta để sản xuất và xây dựng thương hiệu gạo Ia Lâu. Điều này cho thấy nguồn lực đầu tư của Nhà nước bước đầu đã phát huy hiệu quả, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Đức Tuyên-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-phấn khởi nói: “Nhờ có nguồn nước này, địa phương đã chủ động kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất; diện tích lúa nước và hoa màu trên địa bàn xã sản xuất ổn định, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Vụ mùa năm nay, toàn xã gieo trồng 429 ha lúa, tập trung ở các thôn: Đà Bắc, Phố Hiến, Lũng Vân, Bắc Thái, Hòa Bình. Nước tưới dẫn từ đập dâng Ia Lốp và hồ chứa nước Plei Pai giúp người dân chủ động kế hoạch gieo trồng nên diện tích lúa Đông Xuân cho năng suất và sản lượng tốt. Phần lớn người dân xã Ia Lâu đều làm lúa nước 2 vụ, thu nhập từ đó cũng nâng lên”.
Nhờ nguồn nước tưới từ hồ chưa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp người dân trên địa bàn xã Ia Lâu chủ động được nguồn nước tưới, nang suất, sản lượng ngày một tăng. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trong khi đó, với diện tích gieo trồng hơn 1.000 ha, xã Ia Piơr cũng được xem là vựa lúa của huyện. Việc đầu tư hệ thống thủy lợi dẫn nước về đến cánh đồng đã giải được “cơn khát” nơi xã vùng biên còn nhiều khó khăn này. Ông Bùi Văn Phụng-Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-khẳng định: Trước đây, bà con làm lúa nước 1 vụ, chủ yếu nhờ nguồn nước trời, đa số diện tích không đủ nước tưới vào mùa khô. Từ khi có công trình hồ chứa Plei Pai và đập dâng Ia Lốp cùng hệ thống kênh mương thủy lợi được Nhà nước đầu tư xây dựng, bà con sản xuất lúa nước 2 vụ rất ổn định, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. “Hệ thống kênh mương thủy lợi hoàn thiện đã mở ra cơ hội rất tốt để phát triển lúa nước 2 vụ. Không những vậy, địa phương còn hình thành cánh đồng lớn chuyên canh cây lúa với diện tích hơn 500 ha giúp bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tăng năng suất, sản lượng trên 1 đơn vị diện tích”-ông Phụng kỳ vọng.
NGUYỄN DIỆP-MINH NGUYỄN