Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ xem xét gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng.
Ngày 6-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn
Để tập trung phòng chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước tập trung thực hiện "nhiệm vụ kép" là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch đang lan rộng ở nhiều quốc gia như hiện nay.
Thủ tướng vừa ký ban hành Chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch Covid-19. |
Về nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.
Kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 ngàn tỉ đồng).
Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2019.
Giảm thuế, phí
Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2020.
Đồng thời, khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 ngàn tỉ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 này.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt...
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.
"Khẩn trương báo cáo Chính phủ trong tháng 3 năm 2020 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người dân"- Chỉ thị nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi và lĩnh vực quản lý, rà soát để ban hành theo thẩm quyền việc giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 15-3 để tổng hợp, xử lý.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và Quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý.
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan chỉ đạo tập trung đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thuỷ sản; có biện pháp cụ thể để giảm giá thịt lợn; đề xuất các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ hội và chuyển đổi phương thức kinh doanh tiêu thụ, xuất khẩu các ngành nông, lâm, thủy sản chủ lực; trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-3.
|
Theo Minh Chiến (NLĐO)