(GLO)- “Kể từ trận mưa lớn kéo dài hồi tháng 11-2009 khiến đất đá trên dãy Kông Nol đổ xuống làng đến nay, cứ mỗi mùa mưa bão về, dân làng Brang lại nơm nớp nỗi lo tai họa có thể ập xuống…”-ông Đinh Jong-Bí thư chi bộ làng Brang, xã Đak Pling, huyện Kông Chro chia sẻ.
Hoảng sợ vì “lũ đá”
Sự việc đã xảy ra gần 7 năm nhưng mỗi khi nhắc lại, người làng Brang vẫn không khỏi rùng mình sợ hãi. “Tôi còn nhớ như in đấy là đêm ngày 8, rạng sáng 9-11-2009. Trời mưa ròng gần 2 tháng trời. Mưa cứ dầm dề liên tục, thi thoảng dội lên từng trận lớn, hạt mưa như muốn xé rách mái tôn, người ngồi trong nhà phải nói to mới nghe thấy tiếng. Mưa dữ quá nên chỉ đám trẻ con ngủ say còn người lớn nghe tiếng nước chảy dưới gầm sàn lại lo lắng không chợp nổi mắt. Bỗng nửa đêm, tiếng ầm ầm trên núi đổ về. Tiếng đất đá đổ ầm ào to dữ lắm, những người đàn ông gan dạ nhất cũng phải hốt hoảng. Đá lăn va cả vào chân cột nhà sàn lộc cộc. Ai nấy nằm im thin thít trong nhà, không dám mở cửa bước ra”-ông Đinh Jong kể lại. Phải mất một lúc sau khi đã hết những tiếng đá lăn, đám đàn ông trong làng mới dám kéo nhau ra xem. Họ sợ hãi khi nhìn thấy la liệt những khối đá lớn nằm lăn lóc, ngổn ngang khắp mặt đất, dưới gầm sàn nhà, cổng ngõ…
Đá trên núi Kông Nol đổ xuống vào năm 2009 vẫn còn rải rác khắp làng Brang. Ảnh: Lê Hòa |
“Nhà tôi sát chân núi. Mỗi khi mưa lớn, nước từ trên núi đổ về tạo thành dòng suối chảy sát cột nhà sàn. Đêm ấy khi mở cửa bước ra xem, tôi thấy dòng nước dưới chân nhà sàn lên rất dữ, cuốn theo cả những hòn đá nhỏ lăn trên nền đất. Tôi và vợ vô cùng sợ hãi, chỉ cầu mong trời sáng để đưa con cái rời khỏi làng đến nơi khác cho an toàn hơn”-anh Đinh Que kể. May mắn thay, sau khi kiểm tra hết lượt thì hầu như không có ai bị thương, đá trên núi đổ về cũng không gây ra hư hại gì đáng kể cho các ngôi nhà và tài sản của bà con trong làng. Ấy vậy nhưng trải qua một trận đá núi đổ ập về xưa nay chưa từng chứng kiến bao giờ, khoảng trên 100 hộ dân đều là người Bahnar ở làng khi ấy quá sợ hãi nhất loạt đòi kéo nhau bỏ đi. Họ không dám ở lại làng nữa vì sợ biết đâu, đất đá trên núi có thể ập xuống làng và liệu có ai chắc, dân làng Brang sẽ may mắn như lần trước để không có ai bị thương?
“Ngay khi sự việc xảy ra, làng đã báo cáo với xã đề nghị giúp đỡ. Dân làng khi ấy rất bấn loạn, bà con đòi bỏ làng đi tìm nơi ở mới. Tình hình bất ổn nên tôi phải đứng ra khuyên bảo, tuyên truyền rất vất vả để người làng yên tâm hơn, chờ chủ trương và hướng dẫn của cấp trên chứ không nên vội vã, tự ý bỏ làng đi ngay”-ông Đinh Jong nhớ lại. Nếu như không có sự vào cuộc rốt ráo, phân tích tình hình và động viên bà con nhân dân an tâm thì có lẽ, làng không còn được nguyên vẹn như bây giờ. Và cũng từ đó đến nay, cứ vào những ngày mưa bão dầm dề, người làng Brang lại mất ăn, mất ngủ vì lo lắng.
Chưa thể di dời vì dùng dằng phần đất tái định cư
Trao đổi với P.V về sự việc trên, ông Đinh Ong-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đak Pling cho biết: Sự việc đá núi đổ về làng vào năm 2009 là có thật. Xã có nhận được thông báo của làng và đã báo cáo lên huyện đề nghị có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ dân làng, đồng thời kiểm tra, nắm kỹ tình hình. Đất đá trên núi tràn về đợt ấy có thể là do mưa kéo dài quá lâu ngày, đất trên núi phần vì bị mềm ra do ngấm nước lâu, phần vì đất bị xói mòn do dòng nước khiến không giữ được các tảng đá vững chãi nữa mà đổ ập xuống. Rất may là trận đá núi đổ xuống làng không gây thương tích hay thiệt hại lớn cho dân làng.
Cũng theo ông Ong, ngay sau khi sự việc xảy ra, địa phương đã xin chủ trương của huyện cho di dời 25 hộ ở sát chân núi, nơi mỗi khi mưa lớn nước từ núi để về tạo thành suối lớn ngay sát nhà, rất nguy hiểm. Phần đất được bố trí làm nơi ở mới cho các hộ di dời đến nằm ở vị trí ngay đầu làng Brang, vừa đảm bảo an toàn lại đáp ứng được yêu cầu của bà con là vẫn muốn được sống quần tụ cùng các hộ khác trong làng. “Tổng diện tích xã xác định chuyển dân đến ở vào khoảng 7 sào đất. Tuy nhiên, phần đất này hiện là đất của Công ty MDF Vinafor Gia Lai. Nhiều năm trôi qua nhưng việc thương lượng giữa địa phương và phía Công ty vẫn chưa đạt được nên các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm chưa được di dời đến nơi an toàn”-ông Ong nhấn mạnh.
Về phía dân làng, các hộ rất tha thiết được di dời đến nơi ở mới an toàn hơn vì mùa mưa bão đang sắp tới gần. “Nhà mình có 4 đứa con, chúng nó còn rất nhỏ. Để vợ con sống ở đây mỗi khi mùa mưa đến lại lo lắng lắm nhưng tiền không có để mua đất, làm nhà mới. Mình tha thiết mong các cấp quan tâm, giải quyết di dời cho người dân Brang để bà con được sống trong an toàn”-anh Đinh Que nói.
Nếu không kịp thời di dời và tái định cư để người dân ổn định nhà cửa và cuộc sống thì có lẽ, mùa mưa lũ năm nay, các hộ dân này vẫn tiếp tục cảnh nơm nớp “sống chung với lũ”. Hy vọng rằng, trước thực tế này, chính quyền địa phương sẽ có động thái quyết tâm hơn trong việc can thiệp, giải quyết giúp người dân làng Brang sớm được di dời đến sống ở nơi an toàn.
Lê Hòa