Thời tiết

Cảnh báo thiên tai

Sóng thần ập vào Nhật Bản sau động đất tại Thái Bình Dương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sóng thần đã ập vào Nhật Bản sau một trận động đất tại Thái Bình Dương vào sáng nay 24.9.

Đài NHK đưa tin sóng thần cao 50 cm đã được ghi nhận tại đảo Hachijo và sóng thần cao 10 cm tại đảo Miyake.

Những vùng được cảnh báo sóng thần tại Nhật Bản ngày 24.9. ẢNH: JMA

Những vùng được cảnh báo sóng thần tại Nhật Bản ngày 24.9. ẢNH: JMA

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã phát cảnh báo sóng thần cho quần đảo Izu và quần đảo Ogasawara, đều ở khu vực đông nam nước này, sau trận động đất mạnh 5,9 độ Richter xảy ra tại Thái Bình Dương vào khoảng hơn 8 giờ (giờ địa phương).

JMA dự báo sóng thần cao 1 m có thể ập vào các khu vực ven biển và khuyến cáo người dân tránh xa vùng bờ biển, cửa sông.

Tuần duyên Nhật Bản đã phát cảnh báo cho tàu thuyền trong khu vực, kêu gọi người dân chú ý theo dõi thông tin mới nhất từ JMA. Cảnh sát tại những địa phương nhận cảnh báo sóng thần đang tuần tra gần bờ biển và khuyến cáo người dân cảnh giác.

Hiện chưa ghi nhận thiệt hại nào. Hai quần đảo Izu và Ogasawara có hơn chục đảo nhỏ có người ở với tổng dân số là khoảng 24.000 người tính đến năm 2023, Reuters dẫn dữ liệu của chính quyền Tokyo cho hay.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), điểm khác biệt chính giữa sóng thần và sóng do gió là sóng thần di chuyển qua toàn bộ cột nước - từ đáy đại dương lên đến bề mặt đại dương, trong khi các loại sóng biển khác chỉ ảnh hưởng đến lớp gần bề mặt của đại dương.

Điều này là do cách chúng được tạo ra. Sóng được tạo ra do sự truyền năng lượng từ nguồn của chúng đến đại dương. Hầu hết các loại sóng biển khác được tạo ra do gió thổi trên mặt nước (sóng gió). Tuy nhiên, sóng thần được tạo ra do sự dịch chuyển lớn và đột ngột của đại dương, thường do động đất bên dưới hoặc gần đáy đại dương. Những nguồn này có thể tạo ra nhiều năng lượng hơn gió.

Sóng thần ập vào thành phố Miyako, tỉnh Iwate miền đông Nhật Bản hồi năm 2011. ẢNH: BẢO TÀNG TƯỞNG NIỆM ĐỘNG ĐẤT NHẬT BẢN

Sóng thần ập vào thành phố Miyako, tỉnh Iwate miền đông Nhật Bản hồi năm 2011. ẢNH: BẢO TÀNG TƯỞNG NIỆM ĐỘNG ĐẤT NHẬT BẢN

Sóng có 3 đặc điểm cơ bản gồm bước sóng (khoảng cách giữa hai đỉnh sóng), chu kỳ (thời gian giữa hai đỉnh sóng) và tốc độ.

Sóng gió có bước sóng ngắn, thường là 90-180 m trong khi sóng thần có bước sóng từ 500-1.000 km, do đó chu kỳ của mỗi con sóng có khi lên đến 2 giờ, trong khi sóng gió là khoảng 5-20 giây. Theo NOAA, con sóng có bước sóng càng dài thì khối lượng nước nó mang theo càng lớn. Tốc độ của sóng thần ở vùng nước sâu thường từ 800-1.000 km/giờ và khi vào gần bờ thì chậm lại còn 30-50 km/giờ. Tốc độ của sóng gió là 8-100 km/giờ.

Dù chiều cao đỉnh sóng có vẻ nhỏ hơn sóng bình thường nhưng sóng thần có thể dâng cao hơn và có sức phá hủy mạnh hơn khi ập vào bờ.

Khi vào vùng nước cạn hơn gần bờ, sóng thần chậm lại, bước sóng ngắn lại, chiều cao và độ dốc tăng lên.

Sóng gió có bước sóng ngắn hơn nên độ dốc của chúng thường khiến chúng vỡ ra tại bờ, mất năng lượng và rút nhanh chóng. Trong khi đó, năng lượng của sóng thần không mất đi nhanh và sóng thần thường không cuộn và vỡ như sóng gió. Do bước sóng dài nên sóng thần thường đạt đến độ dốc cần thiết để vỡ ra.

Cũng vì bước sóng dài nên khối lượng nước mang theo lớn và năng lượng sóng thần mang theo là rất lớn và nguy hiểm. Thay vì vỡ tan và rút nhanh tại bờ, sóng thần thường ập vào đất liền như một cơn lũ dâng nhanh và gây ngập các vùng trũng trước khi rút ra biển.

Theo Vi Trân (TNO)

Có thể bạn quan tâm