(GLO)- Sống trách nhiệm thoạt nghe tưởng là điều lớn lao song cũng thật dễ dàng mà bất cứ ai đều có thể thực hiện ngay từ những hành động nhỏ trong cuộc sống thường nhật.
Tôi đã rất ấn tượng trước một kỷ niệm đẹp từ thuở học trò do một người bạn từng kể lại trên Facebook. Khi ấy, chị học lớp 4. Một hôm, trên đường đến trường thì vô tình bị một anh học sinh lớp 7 đi xe đạp va phải khiến chị ngã vào vũng nước bẩn. Thay vì ngó lơ hoặc xin lỗi qua loa, nam sinh lớp 7 chở cô bé lớp 4 về tận nhà để thay đồ, không quên xin lỗi bố mẹ vì “sự cố” trên rồi xin phép được đưa cô trở lại lớp. Chưa hết, cậu bé còn vào tận lớp, xin lỗi và giải thích với cô giáo lý do bạn nhỏ kia đi học muộn. Sau đó, cậu mới vội vã tới trường.
Câu chuyện khiến tôi dừng lại thật lâu và mỉm cười trước hành động đầy trách nhiệm của một cậu bé 13 tuổi. Có rất nhiều cách giải quyết trong tình huống ấy, song cậu bé lại khiến mọi người thấy ấm lòng, yên tâm bởi cách xử sự hết sức chu đáo, tận tình. Hơn hết, cậu bé ấy nhận thức rõ ràng trách nhiệm của mình trong việc khiến cô bé kia bị ngã, dính bẩn, có thể sẽ bị bố mẹ mắng và cô giáo trách phạt vì đi học muộn. Vì thế, cậu chọn cách tự mình gánh mọi hậu quả đã vô tình gây ra cho người khác.
Cuộc sống ở đô thị ngày càng trở nên chật chội không chỉ bởi các ngôi nhà mọc lên san sát mà còn bởi lượng phương tiện ngày càng tăng chóng mặt, đặc biệt là xe ô tô. Ở TP. Pleiku, vào khung giờ cao điểm cũng đã bắt đầu có những dòng xe nối dài di chuyển chậm rãi. Việc đậu đỗ xe để ăn sáng, uống cà phê cũng khá nan giải bởi đường sá khá nhỏ. Vì thế, sau khi chọn được một nơi đỗ xe, chồng tôi vẫn thường để một chiếc card visit hoặc một mẩu giấy nhỏ viết đầy đủ tên tuổi và số điện thoại đặt ở phía trước kính chắn gió. Những dòng thông tin ấy sẽ hữu ích trong trường hợp chúng tôi vô tình chặn lối ra vào của xe khác hoặc ảnh hưởng đến nhà dân bên đường thì họ đều có thể dễ dàng liên lạc giải quyết. Chúng tôi đã từng phải chia nhau đi tìm một chủ xe đỗ chặn lối ra suốt nửa tiếng đồng hồ bởi không có bất kỳ một thông tin nào để liên lạc.
Và trong chúng ta, không ít người thỉnh thoảng đọc được đâu đó câu chuyện một người vì lỡ va quẹt, làm trầy xước chiếc xe đang đỗ bên đường đành đứng đợi cho đến khi chủ nhân chiếc xe xuất hiện để xin lỗi và xin bồi thường. Đó cũng là một hành động đầy trách nhiệm sau khi vô tình làm tổn hại đến tài sản của người khác.
Trong khi đó, mặc dù đang bị sốt âm ỉ, đầu còn đau, song cậu con trai lên lớp 1 của tôi vẫn thốt lên: “Mẹ ơi. Con chưa làm xong bài tập”. Rồi vừa thoáng thấy mình đỡ mệt, cậu chàng liền đi lấy xấp giấy bài tập ôn thi cuối kỳ, ngồi vào bàn và nhanh chóng hoàn thành. Tôi biết cảm giác của con sau khi gấp lại trang tập bài là yên tâm, nhẹ nhõm, cất đi được một nỗi lo lắng sẽ bị cô trách phạt trước lớp nếu không làm bài. Vui mừng hơn hết là con đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Suy cho cùng, chọn sống trách nhiệm không chỉ đơn giản là làm tốt việc của chính mình, hoàn thành bổn phận mà còn là việc đặt bản thân vào hoàn cảnh, tình huống của người khác để hiểu và có cách xử trí hợp tình, hợp lý. Trách nhiệm còn là dũng cảm nhận lỗi và sửa lỗi, dám làm dám chịu, không đùn đẩy, không tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác, chấp nhận phần thiệt về mình. Sau khi hoàn thành trách nhiệm với bản thân và người khác, tất thảy sẽ để lại một cảm giác khoan khoái, thoải mái, vui vẻ.
KHÔI NGUYÊN