(GLO)- Nhà cô tôi ở nội thành, còn tôi ở vùng ngoại ô. Vì lý do công việc nên có một thời gian, tôi ở nhờ nhà cô vài tháng. Nhập gia tùy tục. Và, tôi cũng không ngờ rằng, chính việc tùy tục ấy đã thay đổi lối sống của tôi về sau: Tôi đã biết cách sống xanh. Với tôi, sống xanh được bắt đầu từ sự thay đổi thói quen về việc dùng đồ nhựa sử dụng một lần.
Đầu tiên là chuyện đi siêu thị. Thường ngày, tôi vẫn quen với việc tay không đi thẳng vào siêu thị, chọn đồ cần mua, nhân viên tính tiền và dù hàng nhiều hay ít thì cũng được bỏ vào túi ni lông, tôi chỉ việc trả tiền rồi xách về.
Còn ở gia đình cô thì khác. Khi thấy tôi giữ thói quen đi siêu thị như cũ, cô chợt cau mày rồi hỏi: “Sao cháu đi siêu thị mà không xách túi của nhà mình theo?”. Tôi ngớ người: “Cháu quên mất”. Cũng mất vài lần bị cô nhắc nhở vì cái thói hay quên thì tôi đã nhớ mà xách túi theo.
Ảnh minh họa: Internet |
Tiếp đến là chuyện mua thức ăn sáng. Thông thường, hàng quán sẽ đựng thức ăn trong trong bì ni lông hoặc hộp xốp hay ly nhựa dùng một lần. Cô tôi thì khác. Lần đầu không biết, tôi mua xôi đựng trong hộp xốp về. Cô lại nhắc, sao dùng hộp xốp, nhà mình đâu có thiếu hộp đựng thức ăn. Vậy là sau này, cứ mỗi lần đi mua thức ăn sáng, mấy chị chủ quán thấy tôi là tự động mở lời: “Em đưa hộp đựng đây chị bỏ thức ăn vào cho”.
Có lần, cô muốn ăn bún, tôi bảo để tôi đi mua về. Cô nhất quyết không chịu vì biết người ta sẽ đựng nước trong túi ni lông. Cô bảo, phát thải ra môi trường là một chuyện, quan trọng hơn là thức ăn nóng khi đựng trong ni lông thì sinh ra bao nhiêu chất có hại, rồi thứ vào cơ thể mình là nhựa chứ có phải đồ ăn đâu, bệnh tật sinh ra từ đó cả. Sau đó, cô đặt mua ngay 1 chiếc cặp lồng, rồi vui vẻ giao cho tôi nói để dùng trong những lần sau.
Lại thêm chuyện cà phê. Một lần, tôi và cô cùng vào một quán cà phê tự phục vụ. Tôi ngồi chọn món, còn cô đi tới quầy gọi nước. Lúc sau, tôi tới quầy bưng đồ uống. Người ta đặt trên khay 2 chiếc cốc sứ trắng thật to. Tôi thấy lạ vì chẳng giống khách nào ở đây cả. Sở dĩ là vì nhìn quanh, tất cả các bàn đều dùng đồ uống đựng trong ly nhựa sử dụng một lần. Tôi hỏi, cô nói rằng đã dặn nhân viên cho đồ uống vào cốc sứ kia, để tránh dùng thêm 2 cái ly nhựa. Tôi vỡ nhẽ, sống xanh triệt để thế là cùng!
Tôi đã từng chống chế rằng, dùng thêm 1-2 chiếc túi ni lông hay ly nhựa thì có làm sao. Cô bảo hãy tính thử xem mỗi ngày, nếu ai cũng nghĩ như thế thì sẽ có bao nhiêu phế thải nhựa? Rồi cô hỏi tôi có thương những con rùa giãy giụa vô vọng vì túi ni lông hay mảnh nhựa mắc kẹt trong mũi hay không, có thương những con chim ngắc ngoải trên bờ cát vì dạ dày chúng toàn là vụn nhựa mà người ta chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội kia không? Tôi giật mình và ngượng ngùng bởi mình là người trẻ nhưng chưa chú tâm đến những vấn đề như thế.
Sống xanh là một lời kêu gọi, có thể làm mà cũng có thể không. Nhưng khi ta thật lòng tha thiết với môi trường sống và thực sự muốn cải thiện nó thì sẽ có những sự nghiêm khắc với bản thân và với người khác như cô của tôi vậy. Chính nhờ lối sống nghiêm túc với môi trường của cô mà tôi đã nhìn lại mình và thay đổi được một vài thói quen để sống thân thiện với thiên nhiên hơn.
NGUYỄN ĐỨC HIỀN