Sức khỏe

Sốt cả tuần không đỡ, nhập viện phát hiện bị sốt mò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nữ bệnh nhân 73 tuổi ở Vĩnh Phúc bị sốt liên tục 1 tuần nhưng điều trị không khỏi. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán sốt mò từ nốt hình bầu dục, viền đỏ ở nách.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.T. (SN 1950, trú tại Vĩnh Phúc), bị sốt hơn 1 tuần không đỡ. Trước đó, bệnh nhân đã đến cơ sở y tế gần nhà khám và điều trị 5 ngày nhưng không cắt sốt.

Hình ảnh người bệnh bị sốt mò tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Hình ảnh người bệnh bị sốt mò tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân sốt trên 39 độ C. Sau khi thăm khám, bác sĩ Khoa Cấp cứu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ phát hiện bệnh nhân có nốt bầu dục, viền đỏ ở giữa, đóng vẩy đen ở nách. Đây là nốt tổn thương điển hình của bệnh sốt mò.

Bác sĩ điều trị đã chỉ định dùng kháng sinh theo phác đồ điều trị sốt mò. Sau 3 ngày nhập viện, người bệnh đã cắt sốt hoàn toàn, sức khỏe ổn định, ra viện sau một tuần điều trị.

Sốt mò là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi gây ra, trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò. Nguồn truyền nhiễm là các động vật hoang dã như loài gậm nhấm (chủ yếu là chuột), thỏ, các loài chim, hoặc gia súc (chó, lợn, gà)…Đặc điểm lâm sàng của bệnh là sốt kéo dài 2-3 tuần, có thể xuất hiện vết loét trên da do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch.

Hình ảnh nốt mò điển hình của bệnh sốt mò

Hình ảnh nốt mò điển hình của bệnh sốt mò

Vị trí mò thường đốt ở những vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí trong vành tai, rốn, mi mắt.

Bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng và có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não màng não, viêm cơ tim… hoặc suy đa phủ tạng, dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm