Kinh tế

Sốt dây tiêu giống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu như đầu vụ, giá dây tiêu giống chỉ 12.000 đồng/dây thì hiện nay dao động từ 25.000 đồng đến 32.000 đồng/dây, có những lúc giá dây tiêu giống tăng lên đỉnh điểm 35.000 đồng/dây. Giá cao như vậy nhưng nhiều người có nhu cầu đến vườn ươm mua thì đều nhận được câu trả lời từ chối của các chủ vườn vì đã có người đặt cọc mua từ trước.

Anh Nguyễn Thanh Sang-chủ vườn ươm tại phường Yên Thế-TP. Pleiku cho rằng: Chưa có năm nào vườn ươm bán dây tiêu giống được giá và bán nhanh như năm nay. Nhu cầu dây tiêu giống hiện nay là rất lớn nhưng không còn để bán.

 

Ảnh: Anh Khoa
Ảnh: Anh Khoa

Giá dây tiêu giống không chỉ sốt tại những địa phương được mệnh danh là thủ phủ của hồ tiêu như Chư Pưh, Chư Sê mà còn lan nhanh sang các địa phương khác. Không còn đất sản xuất, nhiều hộ nông dân ở huyện Chư Pưh, Chư Sê sang Mang Yang, Đak Đoa mua đất để trồng tiêu.

Ông Huỳnh Thế Khiển, ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh cho biết: Đất đai ở đây còn khá nhiều, sâu bệnh chưa xuất hiện, tình trạng tiêu chết ở vùng này rất thấp nên chúng tôi sang đây mua đất để trồng. Nếu thuận lợi, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Nhưng khó khăn hiện nay là giá dây tiêu giống khá cao, tìm mua rất khó, nơi có thì tiêu giống bị sâu bệnh hoặc chất lượng giống không tốt.

Do người dân ồ ạt sang mua đất trồng tiêu ở huyện Mang Yang nên vụ mùa năm nay, diện tích tiêu trồng mới tại huyện Mang Yang đã tăng đột biến. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Năm 2013, kế hoạch trồng mới đối với cây hồ tiêu khoảng 20 ha, tuy nhiên đầu tháng 8 đã lên đến 110 ha và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hồ tiêu là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Giá hồ tiêu luôn ở mức cao khiến nhiều hộ đua nhau mở thêm diện tích kéo theo những hệ lụy khó lường. Do giá trị kinh tế của tiêu khá cao nên nhiều nông dân chặt bỏ cả vườn cà phê, bời lời, thậm chí là cao su để trồng tiêu. Tình trạng phát triển cây hồ tiêu ồ ạt đã phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng ở các địa phương cũng như của tỉnh.

Thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 9.000 ha hồ tiêu, vươn lên dẫn đầu cả khu vực Tây Nguyên về diện tích. Trong khi đó ngành nông nghiệp quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đạt 9.000 ha hồ tiêu kinh doanh.

Không chỉ giá dây tiêu giống sốt mà giá đất cũng tăng lên chóng mặt. Nhiều hộ dân cho biết: Giá đất trồng tiêu hiện nay tăng gấp 4 đến 4,5 lần so với giá trị thật. Đối với những vùng đất thích hợp để trồng hồ tiêu như địa thế thuận lợi, nguồn nước đảm bảo thì giá đất càng “đôn” cao. Giá đất tăng cao do nhu cầu mở rộng diện tích trồng tiêu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng lấy đất sản xuất.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm