(GLO)- Ngày 16-1-1951, Đại đoàn Đồng Bằng (tiền thân của Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) được thành lập. Trải qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã viết nên những bản hùng ca về tinh thần anh dũng kiên cường trong chiến đấu; thủy chung, son sắt giữa thời bình.
Anh dũng, kiên cường
Ngay khi mới thành lập, với phương châm “Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, lực lượng có chừng nào đưa vào tác chiến chừng ấy, vũ khí có gì đánh nấy, lấy của địch đánh địch”, Sư đoàn tham gia Chiến dịch Bắc Sơn Tây. Chỉ trong một đêm, đơn vị đã tiêu diệt 9 đồn địch. Trận đánh này đánh dấu cho truyền thống đã ra quân là chiến thắng của đơn vị. Đặc biệt, trong Chiến dịch Thu Đông 1951-1952 và đợt tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đơn vị đã anh dũng chiến đấu, tiêu hao sinh lực, phá vỡ các đồn bốt, phương tiện chiến tranh của địch.
Nói về truyền thống của đơn vị, Đại tá Lê Văn Cương-Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320-cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, liên tục giành thắng lợi trên khắp chiến trường, từ đồng bằng Bắc Bộ đến rừng núi Tây Bắc. Sư đoàn đã tham gia 9 chiến dịch, chiến đấu hơn 400 trận, đánh thiệt hại 5 binh đoàn và 3 trung đoàn quân Pháp, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 35.000 tên địch, diệt hàng trăm đồn bốt, thu và phá hủy hàng ngàn phương tiện chiến tranh của địch. Cùng với lực lượng vũ trang địa phương giải phóng 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, góp phần cùng quân dân ta kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sư đoàn 320 diễn tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Năm 1972, Sư đoàn được lệnh chuyển hướng về hoạt động dọc trục đường 19 (từ Hàm Rồng đến biên giới Campuchia) và trục đường 14 (từ Hàm Rồng đến Phú Nhơn). Đơn vị đã cùng với lực lượng vũ trang tỉnh đập tan hàng loạt các căn cứ dọc đường 19 và đường 14, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, làm tan rã Chiến đoàn 22 ngụy, phá tan các ấp chiến lược, giải phóng hàng ngàn dân thuộc 2 huyện 4 và 5 của tỉnh Gia Lai.
Trong giai đoạn này, lịch sử vẫn còn ghi rõ những chiến công oai hùng của đơn vị, đó là cuộc hành quân lật cánh từ Gia Lai về Đak Lak, từ Buôn Hồ, Thuần Mẫn giải phóng Tây Nguyên. Đặc biệt là cuộc truy kích vĩ đại nhất trong lịch sử quân đội ta tại Cheo Reo-đường 7, làm chủ Củng Sơn, cùng lực lượng vũ trang địa phương giải phóng thị xã Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên, bắt sống chuẩn tướng Trần Văn Cẩm-Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, với sức mạnh như vũ bão, trong đội hình Quân đoàn 3, Sư đoàn đã tiến công tiêu diệt và bắt sống toàn bộ Sư đoàn 25 ngụy, đập tan căn cứ Đồng Dù. Với chiến công này, đơn vị đã mở toang “cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở cửa chiến dịch, góp sức cùng Quân đoàn và toàn chiến trường đánh vào hang ổ, sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Đất nước vừa giải phóng, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn lại chiến đấu chống bọn phản động FULRO, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, hành quân ra bảo vệ biên giới phía Bắc.
Huấn luyện làm chủ vũ khí, phương tiện. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Thủy chung son sắt
Đầu năm 1988, Sư đoàn nằm trong đội hình Quân đoàn 3 được lệnh trở lại Tây Nguyên. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã xác định huấn luyện là nhiệm vụ trọng tâm trong thời bình, là cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu. Chính vì thế, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện theo đúng phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với yêu cầu nhiệm vụ, thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến và vũ khí trang bị hiện có. Hàng năm, kiểm tra các nội dung 100% đạt yêu cầu, có 80% trở lên khá, giỏi. Nhiều năm liền, Sư đoàn được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”.
Trải qua 70 năm xây dựng và chiến đấu, hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã hy sinh trên khắp mọi miền đất nước. Sư đoàn vinh dự được Đảng và Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 3 trung đoàn, 9 tiểu đoàn, 5 đại đội và 16 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó, Trung đoàn 48 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2.
|
Song song với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Sư đoàn còn quan tâm giúp đỡ địa phương củng cố hệ thống chính trị kết hợp với công tác dân vận. Đại tá Lê Văn Hùng-Chính ủy Sư đoàn-chia sẻ: “Tây Nguyên là nơi gắn bó máu thịt của Sư đoàn. Nhờ có sự đùm bọc che chở của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn đơn vị mới có được ngày hôm nay. Chính vì thế, giúp đỡ Nhân dân vừa là mệnh lệnh và cũng là trách nhiệm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhằm tri ân những tình cảm ấy”.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 giúp người dân huyện Phú Thiện di dời nhà ở. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Hơn 30 năm trở lại Tây Nguyên, Sư đoàn thường xuyên liên hệ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân địa phương, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để làm tốt công tác dân vận. Theo đó, đơn vị tổ chức kết nghĩa với các địa phương trên địa bàn đóng quân; cử hàng trăm tổ, đội công tác với hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng của các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Đak Đoa, Mang Yang, Kbang và TP. Pleiku làm công tác dân vận. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã đào đắp hơn 280 km kênh mương dẫn nước, 354 km đường giao thông; xây dựng 52 nhà tình nghĩa, 153 công trình nước sạch.
Đặc biệt, Sư đoàn đã xây tặng 2 trạm y tế xã, 1 trường tiểu học, 1 trường mẫu giáo; sửa chữa, nâng cấp 30 phòng học và tặng thiết bị trị giá 654 triệu đồng; xóa mù chữ 6 đợt với 1.200 lượt người; cải tạo, trồng 68 vườn rau; xây dựng 125 chuồng chăn nuôi gia súc để làm mẫu cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, đơn vị đã tháo gỡ bom mìn giải phóng hơn 1.700 ha đất phục vụ nhu cầu sản xuất của Nhân dân. Nhằm giúp các địa phương thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã xây dựng 8 nhà rông; di chuyển và xây dựng 6 làng định cư; làm mới 184 ngôi nhà và sửa chữa 312 nhà ở cho các gia đình chính sách và gia đình khó khăn tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đánh giá về các hoạt động dân vận giúp đỡ địa phương của Sư đoàn, ông Phạm Văn Cường-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ-nhận định: Những năm qua, Sư đoàn 320 đã giúp đỡ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp Nhân dân phát triển kinh tế. Đặc biệt, khu tăng gia sản xuất của Sư đoàn trên địa bàn huyện thường xuyên tạo việc làm cho 50 hộ là người dân tộc thiểu số ở xã Ia Lang và Ia Din với thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sự giúp đỡ nghĩa tình ấy không chỉ góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân mà còn giúp đỡ địa phương đẩy nhanh công tác xây dựng nông thôn mới.
VĨNH HOÀNG