Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Sự "đổi vị" đáng chú ý của phim Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xóm lao động nghèo, câu chuyện của những người yếu thế... được khắc họa mới lạ trong phim Việt, hướng đến một tương lai tốt hơn đang được khán giả quan tâm.

Phim truyền hình "Cuộc đời vẫn đẹp sao" do NSƯT Nguyễn Danh Dũng đạo diễn đang đi dần vào giai đoạn cuối vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả. Mỗi tập phim đều thu hút sự thảo luận, khen chê trái chiều về tình tiết, nhân vật và diễn xuất trên các trang mạng, diễn đàn về phim.

Hút người xem

Sự bàn tán, thảo luận này giúp phim càng phổ biến, một điều hiếm hoi với những phim dài tập Việt vốn hay mắc phải tình trạng "đầu voi đuôi chuột". "Cuộc đời vẫn đẹp sao" là tác phẩm kể về cuộc sống mưu sinh của những người lao động ở xóm chợ nghèo. Trong đó, nhân vật Luyến (Thanh Hương thủ vai) sống ở khu ổ chuột, làm thuê tại sạp bán trái cây trong chợ để kiếm tiền nuôi mẹ chồng và trả nợ cho người chồng mà cô nghĩ đã chết. Nhân vật Lưu (Hoàng Hải thủ vai) bị vợ bỏ, sống gầm cầu, làm bốc vác để nuôi con trai đi học.

Phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao” đang thu hút khán giả. (Ảnh chụp màn hình)

Phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao” đang thu hút khán giả. (Ảnh chụp màn hình)

Cuộc đời cơ cực khiến những người lao động chân tay này luôn gai góc, xù xì trong ứng xử nhưng ẩn sâu bên trong họ là người tốt với tấm lòng chân thành. Việc khắc họa chân thật cuộc sống người lao động nghèo từ cốt truyện, lời thoại là một trong những yếu tố giúp phim có được khán giả.

Khán giả màn ảnh nhỏ cũng ấn tượng với phim "Mẹ rơm" của NSƯT - đạo diễn Nguyễn Phương Điền. Phim khai thác câu chuyện về những người yếu thế trong một ngôi làng ở vùng quê nghèo như Mô "gù" (Thái Hòa đóng), Hồng (Ngọc Lan đóng), Loan (Huỳnh Hồng Loan đóng). Trong đó, Mô "gù" - người đàn ông mồ côi, ngoại hình xấu xí nhưng có tấm lòng nhân ái, chân thành. Mô "gù" thầm thương cô gái khờ khạo tên Loan và sẵn lòng vừa làm cha vừa làm mẹ của bé Hạt Dẻ - con của Loan sinh ra sau khi cô bị lừa tình. Hồng là "gái làng chơi hết thời", gánh chịu nhiều nỗi đau, thương tổn tâm hồn.

Trên màn ảnh rộng, khán giả cũng yêu thích phim "Con Nhót mót chồng" do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn, Thu Trang và Thái Hòa đóng chính. Phim lấy bối cảnh một xóm lao động nghèo mà nơi đó các nhân vật làm nhiều nghề để mưu sinh. Nhân vật Nhót (Thu Trang đóng) có người cha nghiện rượu được gọi là ông Xỉn (Thái Hòa đóng). Phim đã có doanh thu hơn 75 tỉ đồng theo thống kê của Box Office Việt Nam.

Gần gũi với cuộc sống

Biên kịch Đông Hoa nhận xét: "Phim Việt trước đây có không ít tác phẩm khai thác đề tài về người bình dân, lao động nghèo nhưng sau đó thay đổi. Nhà làm phim chuyển sang câu chuyện về các gia đình thượng lưu, những cuộc chiến mẹ chồng, nàng dâu thời hiện đại trong bối cảnh giàu sang. Xu hướng lần này cho thấy một sự "đổi vị", cũng là phim về người bình dân, lao động nhưng khai thác góc nhìn mới, lạc quan, nhân văn".

Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long cho rằng thời gian qua khán giả đã thưởng thức rất nhiều phim bối cảnh thành thị sang trọng. Các nhân vật thành đạt, sống trong biệt thự, ra đường là lái xe hơi. Câu chuyện phim chủ yếu xoay quanh tình cảm gia đình với cao trào là mẹ chồng nàng dâu bất hòa, chồng ngoại tình với người thứ ba dẫn đến mâu thuẫn, đổ vỡ. Phim dù có hay, câu chuyện dù kịch tính nhưng nếu chỉ mãi một màu, một kiểu thì khán giả cũng dần nhàm chán.

Vì thế, sự trở lại với đề tài về cuộc sống của người bình dân, lao động mưu sinh nơi xóm trọ, xóm chợ với sự gần gũi, thân thuộc lại trở nên hấp dẫn. Sự đổi mới về cách kể, khai thác những khía cạnh khác lạ của đề tài này là yếu tố giúp chinh phục khán giả.

"Phim Việt làm về giới thượng lưu hay các đề tài về thời trang, đấu đá, mưu mô trên thương trường… đều khó có thể vượt qua các phim của Hàn Quốc, Trung Quốc. Hướng khai thác những đề tài gần gũi với cuộc sống, mang hơi thở thời đại sẽ phù hợp hơn. Một câu chuyện về gia đình mang đậm màu sắc Việt, những mối quan hệ bạn bè, hàng xóm láng giềng thân thuộc sẽ dễ tìm được sự đồng cảm của người xem" - biên kịch Kim Ngọc nhận định.

Theo những người trong cuộc việc tìm kiếm góc nhìn mới, không theo khuôn mẫu là điều phải cân nhắc. Bởi nếu không khéo sẽ tạo nên một tác phẩm sit-com (hài tình huống) hoặc tiểu phẩm trong nhà ngoài phố chứ không phải câu chuyện có chiều sâu, tình huống gay cấn, hấp dẫn để lôi kéo khán giả.

Có thể bạn quan tâm