Vào ngày 3-9, trong quá trình tuần tra trên đường Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa), lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Đak Đoa) tiến hành kiểm tra xe mô tô BKS 18G1-286.90 do anh N.V.N.A. (SN 1997, trú tại làng Tuơh Klah, xã Glar, huyện Đak Đoa) điều khiển.
Qua kiểm tra, anh A. xuất trình 1 GPLX hạng A1 do Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Thanh Hóa cấp. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định anh A. sử dụng GPLX giả.
Tại cơ quan Công an, anh A. cho biết đã từng thi sát hạch cấp GPLX nhưng không đạt nên lên mạng xã hội đặt mua GPLX giả để sử dụng.
Trước đó, vào ngày 30-4, qua công tác tuần tra, kiểm soát xử lý chuyên đề nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Đak Đoa) cũng đã phát hiện ông Đ.Q.V. (SN 1983, trú tại xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) sử dụng GPLX giả.
Làm việc với cơ quan Công an, ông V. thừa nhận đã mua GPLX trên mạng xã hội với giá 350.000 đồng. Trên cơ sở chứng cứ thu thập được, ngày 17-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đak Đoa đã khởi tố ông Đ.Q.V. về hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Trong 9 tháng năm 2024, qua tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Đak Đoa) đã phát hiện, chuyển cơ quan điều tra 6 vụ việc liên quan hành vi sử dụng GPLX giả, có dấu hiệu của tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố 3 vụ với 3 bị can có liên quan.
Trung tá Hoàng Xuân Thành-Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp (Công an huyện Đak Đoa) cho biết: Hiện nay, việc mua bán GPLX giả trên mạng xã hội diễn ra rất phức tạp. Nguyên nhân là do một số người ngại đến các cơ sở đào tạo lái xe để học, thi lấy GPLX; có người không bảo đảm các quy định để dự thi, sát hạch GPLX hoặc nhiều lần thi rớt nên tự tìm mua trên mạng.
Một số người dân không nhận thức được hành vi cung cấp thông tin, hình ảnh cho đối tượng trên mạng xã hội để mua GPLX giả là vi phạm pháp luật. Đồng thời, họ nhầm tưởng GPLX giả nhìn giống thật và cũng có mã QR như GPLX do cơ quan chức năng cấp nên sẽ không bị phát hiện.
Tuy nhiên, bằng kiến thức nghiệp vụ, phương tiện soi chiếu chuyên dụng và tra cứu trên trang thông tin chuyên ngành, cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện.
Ngoài vi phạm pháp luật, người sử dụng GPLX giả còn đối diện với nhiều rủi ro. Cụ thể: Do không qua đào tạo nên không nắm được các kỹ năng điều khiển phương tiện và quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Cùng với đó, người sử dụng GPLX giả còn gặp những bất lợi như không được cơ quan bảo hiểm bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn hoặc bị từ chối khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký xe, mua bán xe.
Mặt khác, việc cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng trên mạng xã hội để mua bán, trao đổi GPLX giả còn có nguy cơ bị kẻ gian sử dụng để xâm nhập bất hợp pháp tài khoản cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng.
“Công an huyện Đak Đoa xử lý nghiêm các hành vi sử dụng bằng lái xe giả. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên đến trung tâm đào tạo thi sát hạch để được thi cấp GPLX nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của mình và người khác khi tham gia giao thông.
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc không có GPLX, sử dụng GPLX giả khi tham gia giao thông. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm việc mua bán và sử dụng GPLX giả”-Trung tá Thành cho biết thêm.