Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Sự 'hy sinh' của loài chuột trong nghiên cứu khoa học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dẫn đầu trong 12 con giáp, chuột trở thành con vật quan trọng cho nghiên cứu khoa học và hàng triệu con bị giết mổ trong phòng thí nghiệm hơn 100 năm qua.
Chuột trụi lông trong một phòng thí nghiệm ở Ấn Độ - Ảnh: Reuters
Chuột trụi lông trong một phòng thí nghiệm ở Ấn Độ - Ảnh: Reuters
“Tại các phòng thí nghiệm, mỗi lồng nhốt chuột có treo bảng ghi các con số. Những con số định đoạt số phận mỗi con chuột, cho biết khi nào nó được sinh ra và thời điểm nó phải chết”, ông Jackson Ryan, nhà nghiên cứu-biên tập viên trang tin Cnet, mô tả về phòng thí nghiệm ở Úc, nơi ông thực hiện nghiên cứu y khoa để bảo vệ luận án tiến sĩ.
Bên trong phòng mổ chuột
Mỗi ngày, kỹ thuật viên theo dõi, chấm theo thang điểm mô tả mức độ khỏe mạnh của chuột trong lồng hoặc bắt chúng ra làm thí nghiệm.
Kể về công việc trong phòng thí nghiệm, ông Ryan cho biết: “Tôi đặt con chuột lên bàn, dùng băng keo dán chặt chân chúng. Với kéo phẫu thuật, tôi thực hiện một vết cắt nhỏ ngay dưới xương sườn, mở khoang ngực con chuột đã được tiêm thuốc tê. Vẫn đang đập thình thịch, trái tim chuột có kích thước nhỏ chưa bằng ngón tay út”.
Nhóm nghiên cứu đặt ống rút máu từ tim chuột để nghiên cứu về lượng khoáng chất trong máu. Rút đủ máu cần thiết, chuột sẽ bị giết chết bằng kỹ thuật “bẻ cổ” hay còn gọi là làm trật khớp cổ, cắt đứt kết nối giữa tủy sống và não, giúp con vật ra đi nhanh chóng, theo ông Ryan.
Tiêm thuốc thử nghiệm cho chuột tại phòng thí nghiệm ở Mỹ - Ảnh: Reuters
Tiêm thuốc thử nghiệm cho chuột tại phòng thí nghiệm ở Mỹ - Ảnh: Reuters
 
Sau đó, các nhà khoa học thu gom nội tạng, gan, thận, ruột non và cả xương đùi, hộp sọ và cột sống, đem vào phòng lạnh bảo quản. Phần xác chết rỗng tuếch được bỏ vào túi nhựa và kết thúc trong thùng rác. Ông Ryan cho biết: “Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, tôi thực hiện những thao tác này hơn 400 lần, một cảm giác thật sự không dễ chịu”.
“Ăn, nghiên cứu, ngủ, giết mổ chuột. Chu kỳ này đôi khi ám ảnh các nhà nghiên cứu nhưng đó là một phần không thể thiếu trong khoa học”, theo ông Ryan.
Vì sao dùng chuột để làm thí nghiệm?
Về mặt sinh học, chuột có những điểm tương đồng với con người, cụ thể là bộ gen khá giống nhau. Tuổi thọ chuột chỉ giới hạn vài năm và chi phí nuôi chuột trong phòng thí nghiệm cũng thấp hơn so với các động vật khác như thỏ và chó, theo trang Cnet.
Ông Ryan cho biết: “Chuột giúp chúng ta nghiên cứu về tế bào, khối u ung thư và tìm hiểu, thử nghiệm tác dụng của nhiều loại thuốc. Chúng ta đạt được nhiều thành tựu về nghiên cứu y khoa nhờ vào chuột. Những con chuột biến đổi gen giúp các nhà khoa học nghiên cứu khối u ung thư tiến triển, di căn như thế nào để từ đó nỗ lực tìm kiếm liệu pháp hiệu quả hơn, thay thế cho hóa trị và xạ trị”.
 Chuột thí nhiệm được cho ăn uống đầy đủ, chờ ngày bị giết mổ - Ảnh: Reuters
Chuột thí nhiệm được cho ăn uống đầy đủ, chờ ngày bị giết mổ - Ảnh: Reuters
Theo báo cáo của tổ chức bảo vệ quyền động vật PETA (Mỹ), mỗi năm có hơn 100 triệu con chuột bị giết trong các phòng thí nghiệm ở Mỹ. “Các nhà nghiên cứu tận dụng chúng triệt để, từ thử nghiệm độc tố (tiêm thuốc độc cho đến chết), thí nghiệm bỏng cho đến thí nghiệm tâm lý học về lo lắng và trầm cảm”, PETA cho biết.
Trong một số trường hợp, các nhà khoa học chích điện, mổ xẻ và bơm đủ thứ hóa chất, bao gồm cả cocaine và methamphetamine (ma túy đá), cấy ghép khối u ung thư hoặc tế bào con người vào chuột.
Cuộc điều tra của PETA về các phòng thí nghiệm thuộc Đại học North Carolina và Đại học Utah cho thấy chuột bị cấy ghép những khối u khổng lồ, khoan thủng hộp sọ để phục vụ thí nghiệm điều trị xâm lấn não.
“Trong một số trường hợp, các nhà khoa học đốt cháy, chặt chân, đuôi để thí nghiệm mà không dùng thuốc gây tê hay giảm đau cho chuột. Loài chuột chịu đau đớn như chó, mèo và thỏ, nhưng chúng bị loại khỏi Đạo luật Phúc lợi Động vật Liên bang của Mỹ”, theo báo của PETA.
Cuộc khảo sát năm 2009 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle cho thấy chuột phải trải qua những thí nghiệm đau đớn như phẫu thuật hộp sọ và cột sống, và chỉ khoảng 20% chuột thí nghiệm được tiêm thuốc giảm đau sau thí nghiệm, nếu còn sống.
Theo Phúc Duy (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm