Để hiện thực hóa khát vọng này, Đảng đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế tri thức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng, khởi đầu bằng sự kiện Đại hội các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đây “là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đích đến của kỷ nguyên mới là dân giàu, nước mạnh, xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao”.
Trong hành trình đưa Việt Nam tiến tới tương lai thịnh vượng, Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò là kim chỉ nam, dẫn dắt toàn dân tộc vượt qua các thách thức và tận dụng cơ hội phát triển.
Từ hoạch định chiến lược, lãnh đạo thực thi đến giám sát và điều chỉnh các chính sách, Đảng thể hiện vai trò trung tâm trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Đảng đã thể hiện khả năng thích ứng và đổi mới mạnh mẽ trong lãnh đạo. Đường lối Đổi mới từ năm 1986 đánh dấu bước ngoặt căn bản trong chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sự thay đổi này không chỉ giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng mà còn tạo điều kiện để đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới. Việc tham gia vào các tổ chức như WTO (gia nhập năm 2007), CPTPP (ký kết năm 2018) hay RCEP (ký kết năm 2020) là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược của Đảng trong việc đưa Việt Nam trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, tận dụng tối đa cơ hội từ toàn cầu hóa. Đảng đã xác định những tầm nhìn như “đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại” hay “trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”.
Những định hướng này không chỉ là kim chỉ nam cho sự phát triển kinh tế mà còn gắn liền với việc xây dựng con người, văn hóa và bảo vệ môi trường. Đảng đã nhận thức rõ vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong việc tạo động lực tăng trưởng mới, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế để tối ưu hóa nguồn lực quốc gia.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế số, xã hội số”.
Trong hành trình trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng, đất nước đang đứng trước những yêu cầu cấp bách và quan trọng cần được giải quyết một cách đồng bộ và hiệu quả. Những yêu cầu này không chỉ xuất phát từ thực tiễn phát triển trong nước mà còn chịu ảnh hưởng từ những biến đổi phức tạp của tình hình quốc tế.
Những giải pháp cụ thể để đạt được giàu mạnh và thịnh vượng bao gồm: phát triển kinh tế bền vững; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đổi mới khoa học và công nghệ; tăng cường hạ tầng cơ sở; chú trọng phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong bài phát biểu tại Đại học Columbia (Mỹ), vào ngày 23-9-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Sau gần 80 năm Độc lập và gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Kỷ nguyên vươn mình là một chặng đường đầy thách thức nhưng cũng tràn đầy cơ hội. Thành công của sự nghiệp vĩ đại này không chỉ phụ thuộc vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng mà còn đòi hỏi sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng của toàn thể nhân dân. Chỉ khi mỗi người dân trở thành một phần trong công cuộc đổi mới và sáng tạo, Việt Nam mới có thể khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, trở thành một quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng.
Theo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG