Thời sự - Bình luận

Sứ mệnh phản ánh sự thật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, báo chí đã chuyển tải ngay thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc” tới đông đảo quần chúng nhân dân. Thông điệp này vừa mang tính hiệu triệu, vừa xác định nguyên tắc và tinh thần, thái độ đối với cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Thông tin về tình hình dịch bệnh cùng các biện pháp phòng chống được các báo, đài cập nhật từng giờ, từng phút tới mọi đối tượng và mọi vùng miền của đất nước, góp phần giúp hoạt động phòng chống dịch thuận lợi và minh bạch.

Báo chí cũng đã góp phần rất lớn trong việc định hướng hành vi của công chúng. Tinh thần tự giác chấp hành thông điệp 5K của Bộ Y tế có được một phần nhờ báo chí đã không chỉ nhắc nhở, mà còn chỉ rõ tác dụng tích cực của việc làm này. Báo chí đã không chỉ khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, mà còn thuyết phục được công chúng đồng hành, tự nguyện đóng góp Quỹ Vaccine phòng Covid-19. Cũng nhờ có sự giám sát và lên tiếng của báo chí, những giải pháp vội vàng của một số địa phương trong phòng chống dịch, như “ngăn sông cấm chợ” đã nhanh chóng được sửa đổi... Bên cạnh đó, báo chí cùng đồng hành với các cơ quan chức năng tích cực chống lại tin giả tràn lan trong mùa dịch.  

Như “giọt nước phản ánh bầu trời”, đóng góp của báo chí trong chiến dịch chống Covid-19 phản ánh vai trò to lớn của báo chí trong đời sống của xã hội chúng ta. Tuy nhiên, thách thức mà thời cuộc đang đặt ra cho báo chí là hết sức to lớn. Với sự xuất hiện của mạng xã hội và không gian số, quyền lực truyền thông đang được chia ra cho hàng chục triệu người. Chỉ tính riêng trên Facebook, đến tháng 6-2020, nước ta đã có gần 70 triệu người dùng. Nghĩa là cứ 10 người thì có 7 người có thể truyền thông trên mạng xã hội Facebook.

Rõ ràng, nếu một nhà báo không thể đưa ảnh, đưa tin trực tiếp từ chiếc điện thoại di động của mình lên báo điện tử thì khó có thể cạnh tranh về tốc độ với một Facebooker bình thường nhất. Thế nhưng, các nhà báo không thể cứ thích là đưa tin bài ngay lên được. Cuộc chơi đã không còn là chuyện “Cá lớn nuốt cá bé”, mà là chuyện “Cá nhanh nuốt cá chậm”.
Mạng xã hội không chỉ có thể làm cho mọi tin mới của báo chí đều trở thành tin cũ, mà còn lấy đi phần lớn nguồn thu tài chính từ quảng cáo. Đối với rất nhiều tờ báo, nhiều cơ quan truyền thông, đây là một nguồn thu hết sức quan trọng. Thiếu nguồn thu này, không chỉ đời sống của các nhà báo đang trở nên ngày càng khó khăn, mà phương tiện kỹ thuật phục vụ việc tác nghiệp cũng không thể đổi mới. Chất lượng dịch vụ báo chí vì thế cũng khó lòng được nâng lên.    

Trong cuộc cạnh tranh với truyền thông xã hội, báo chí không phải là không có các thế mạnh của mình. Theo một số nhận định, có đến trên 50% các tin đưa trên mạng xã hội là tin giả. Với một quy trình thẩm định chặt chẽ, tin tức trên báo chí chính thống đáng tin cậy hơn nhiều. Một thế mạnh khác của báo chí là khả năng đóng gói thông tin. Tham gia truyền thông xã hội chỉ là các “nhà báo tay ngang”, họ đưa tin tức nhanh, nhưng chưa chắc đã dễ đọc và chưa chắc là chuẩn xác. Các nhà báo, các phóng viên chuyên nghiệp chắc chắn là có nghề hơn.

Cuối cùng, báo chí có thể cung cấp thông tin về bản chất của sự việc. Sự vật chỉ có một, nhưng góc nhìn thì có rất nhiều. Báo chí có thể cung cấp thông tin từ một góc nhìn mà bạn đọc nhận thức đúng đắn, chính xác hơn. Phản ánh đúng sự thật không chỉ là thế mạnh, mà là sứ mệnh của báo chí.

Báo chí cần phát huy thế mạnh của mình, nhưng các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ báo chí vượt qua những thách thức to lớn của thời cuộc. Trước hết, cần giúp báo chí cải thiện quy trình đưa tin của mình. Quy trình này, cần phải cắt giảm bớt các công đoạn không cần thiết. Bên cạnh đó, khi các nguồn tin không chính thức tràn ngập trên mạng xã hội, các cơ quan liên quan cần cung cấp thông tin chính thống kịp thời nhất có thể. Thứ hai, một số dịch vụ báo chí đang cung cấp cho công chúng quả thực là các dịch vụ công. Cung cấp các dịch vụ công là trách nhiệm của Nhà nước. Mà như vậy thì hỗ trợ tài chính cho các cơ quan báo chí không chỉ cần thiết, mà còn là đảm bảo công bằng. Với sự cố gắng vươn lên và sự hỗ trợ của Nhà nước, báo chí sẽ mãi đồng hành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

(Dẫn nguồn SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm