Bạn đọc

Sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù không phải là xã điểm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng từ khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước, xã Choroh Pơnan, huyện Phú Thiện đã từng bước triển khai và vận động nhân dân cùng tích cực tham gia hưởng ứng.

Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền và từng bước triển khai phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, người dân đã nhận thức rõ việc xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn và chính bản thân họ là người trực tiếp hưởng lợi. Nhờ vậy việc xây dựng nông thôn mới ở xã Choroh Pơnan đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 

Người dân thôn Sô Ma Lơng đang tích cực làm đường. Ảnh: P.D

Anh Rơ Ô Lia- một người dân trong thôn Sô Ma Lơng B cho biết: Thôn có 130 hộ gia đình, hầu hết là đồng bào dân tộc Jrai. Kể từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân chúng tôi được chính quyền xã đến tuyên truyền, vận động bà con cùng bắt tay vào hưởng ứng. Bắt đầu là việc bà con di chuyển chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khu vực quy định, đồng thời dọn dẹp sạch sẽ khu chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh.

Còn chị Nay H’Nhin, ở thôn Sô Ma Lơng B đang làm đường bê tông giao thông nông thôn, lấy khăn lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, phấn khởi cho biết: Đường làng mình dài chỉ có hơn 800 mét thôi, nhưng để làm được con đường rộng 3 mét bê tông này, bà con cũng đã tự nguyện hiến cả ngàn mét đất đấy. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí Nhà nước cho có hạn, để có đường đi bà con mình mỗi hộ đã tự nguyện đóng góp thêm 250.000 đồng để cùng với Nhà nước làm đường.

Trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước còn hạn hẹp nên cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân có tuyến đường đi qua tình nguyện hiến đất, đóng góp tiền làm đường giao thông. Mặc dù người dân coi “tấc đất là tấc vàng” nhưng xác định để bộ mặt nông thôn khang trang hơn, không còn phải đi trên những con đường chật hẹp khó khăn, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội nên khi chủ trương làm đường được họp bàn và triển khai thì người dân đều đồng lòng ủng hộ.

Nhiều người dân trong thôn cho biết: Để giảm được chi phí mua vật liệu như đá, cát, bà con nhân dân đã tình nguyện đóng góp mỗi hộ 8 ngày công lên núi cách thôn hơn 7 km để nhặt đá và ra suối múc cát thêm rồi thuê xe công nông chở về thôn làm đường. Và với 130 hộ gia đình triển khai làm hơn 800 mét đường làng, người dân đã chia thành 10 tổ, mỗi tổ 13 người phụ trách 80 mét đường.

Xã Choroh Pơnan có 9 thôn với hơn 14 km đường giao thông liên thôn, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền xã đã xác định phát triển giao thông nông thôn là “nền móng” để phát triển kinh tế-xã hội. Để chủ trương này được thực hiện có hiệu quả, địa phương tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngay sau khi họp bàn trước nhân dân, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể trong xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân nhận thức rõ về lợi ích của việc xây dựng đường giao thông nông thôn. Theo đó, cán bộ đảng viên là những người đi trước làm nòng cốt để cho các hộ dân làm theo. Trong đó, thực hiện đúng quy chế dân chủ, nhân dân các thôn, làng được trực tiếp tham gia bàn bạc, xây dựng kế hoạch… qua đó đã khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhờ vậy hơn một năm qua, Choroh Pơnan đã bê tông hóa được hơn 3 km đường liên thôn và hơn 2,5 km đường cấp phối với mặt đường rộng 3 mét, hành lang đường rộng 1,5 mét, nâng tổng số lên hơn 8 km đường liên thôn đã được bê tông hóa và số còn lại cơ bản được rải cấp phối. Điều đáng nói là tất cả những thôn làng đã được bê tông hóa thì chính quyền xã Choroh Pơnan đã vận động người dân đóng góp mỗi hộ 250 ngàn đồng và đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để cùng với chính quyền kiên cố hóa đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng nông thôn của xã Choroh Pơnan từng bước được cải thiện.

Phạm Duy

Có thể bạn quan tâm