Thời sự - Bình luận

Sức sống của tinh thần đổi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 36 năm trước, giữa bao bộn bề khó khăn của những ngày đầu sự nghiệp đổi mới, những bài báo của tác giả N.V.L đăng trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân đã mang một luồng gió mới tấn công trực diện vào hành vi tiêu cực, những biểu hiện lạc hậu, trì trệ của cơ chế quan liêu bao cấp; đồng thời, khích lệ tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì đất nước, vì người dân. N.V.L là bút danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong những bài báo mang tính thời sự, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

Ai từng sống qua một thời gian khó của đất nước những năm 80 của thế kỷ trước có lẽ đều thấy những bài báo ngắn gọn, súc tích trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân ngày ấy luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Từ ngày 25-4-1987 đến 28-9-1990, 31 bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dưới bút danh N.V.L đã nghiêm khắc phê phán những việc làm tiêu cực trong xã hội, tiêu cực trong bộ máy quản lý và lãnh đạo đã gây chấn động dư luận thời kỳ đầu đổi mới; tạo đà chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội theo hướng dân chủ hóa, khuyến khích báo chí tham gia ngày càng tích cực và mạnh mẽ trên mặt trận chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Với sự nhạy bén, kinh nghiệm dày dạn được thử thách từ những năm làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, trên cương vị mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sớm nhận ra những “căn bệnh” tham nhũng, lãng phí, quan liêu đang cản trở công cuộc đổi mới và ẩn chứa nhiều nguy cơ, có thể trở thành “quốc nạn” nên phải kịp thời đề xuất “Những việc cần làm ngay”.

Bút danh N.V.L còn được hiểu là “Nói và Làm”. Thông qua những bài báo ký tên N.V.L, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ rõ: Đảng lãnh đạo đất nước phải bằng hiệu quả thực tiễn. Cán bộ của Đảng thì lời nói phải đi đôi với việc làm; không thể nói mà không làm, nói nhiều làm ít, “đánh trống bỏ dùi” hoặc “nói một đằng, làm một nẻo”. Đảng chống tiêu cực thì phải có cách làm, kết quả cụ thể chứ không phải chỉ nêu quyết tâm suông, sáo rỗng.

Những bài báo ấy đã góp phần khơi dậy và dẫn dắt phong trào đấu tranh chống tiêu cực, quan liêu, lãng phí trên cả nước. Cuộc đấu tranh đã thể hiện tinh thần quyết tâm của Đảng trong việc chấn chỉnh lề lối làm việc, không thỏa hiệp với tham nhũng, tiêu cực, không cho phép bất cứ cá nhân, tập thể nào “có quyền đứng ngoài vòng pháp luật và kỷ cương”.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, lấy dân làm gốc”, tấn công trực diện vào những kiểu “im lặng đáng sợ”, loại bỏ những thành phần trì trệ, lạc hậu, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI (tháng 12-1986) đã tích cực cổ vũ cái mới, cái tiến bộ, đưa chủ trương, chính sách đúng đắn vào thực tiễn, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động sức mạnh toàn xã hội chung tay tháo gỡ khó khăn, xoay chuyển tình thế, đưa đất nước từng bước thoát khỏi khủng hoảng, đạt nhiều thành tựu rực rỡ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.

Vị thế, tiềm lực, uy tín của đất nước chúng ta có được hôm nay là kết quả được kế thừa từ tinh thần “Nói và Làm”, làm rốt ráo, làm có hiệu quả “Những việc cần làm ngay” mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khởi xướng hơn 30 năm trước.

Mấy nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nêu cao tinh thần đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Những cán bộ thoái hóa biến chất đã và đang tiếp tục bị loại bỏ. Đó chính là quá trình kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu của tinh thần đổi mới từ Đại hội VI nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo đất nước biết nói không với tham nhũng; một đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng-Nhà nước có tâm, có tầm, trọng liêm sỉ; năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung.

Chủ trương đã có, biện pháp đang bàn. Chính phủ rất khẩn trương hoàn thiện để sớm ban hành Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nhằm mở ra một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để cán bộ có tinh thần năng động, đổi mới được thực hiện ý tưởng, được kiểm chứng qua thực tiễn, khẳng định tài năng và khát vọng cống hiến cho nước, cho dân.

Từ những bài báo với bút danh N.V.L, giá trị của thông tin, hay nói chính xác hơn là giá trị của tinh thần đổi mới mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là linh hồn của tinh thần ấy vẫn trường tồn cùng năm tháng, đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu đẹp, hiện đại, văn minh.

Có thể bạn quan tâm