Điểm đến Gia Lai

Sức xuân ở làng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu xuân, chúng tôi có chuyến công tác về làng nông thôn mới tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai). Chứng kiến những đổi thay, khởi sắc trong từng nếp nhà, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự chung sức, đồng lòng của người dân trong công cuộc xây dựng quê hương.

Tuyến đường chính từ xã Hà Bầu vào làng Ring Rai. Ảnh: Nguyễn Diệp

Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2021, huyện Đak Đoa có 5 làng đăng ký xây dựng làng NTM gồm: Ring Rai (xã Hà Bầu), Mrah (xã Kdang), Krun (xã Hneng), Châm Prông (xã Ia Băng) và O Đeh (xã Ia Pết). Ngày đầu năm, theo chân ông Hngên-Trưởng thôn Ring Rai (xã Hà Bầu), dạo quanh trong làng, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sức xuân đang lan tỏa. Tuyến đường từ xã vào làng sạch sẽ, đường nội làng, liên thôn và đường nội đồng đã được bê tông, cứng hóa. Trên một số tuyến đường, bà con trồng hoa nở rực rỡ dọc hai bên lối đi khiến không khí của mùa xuân thêm ấm áp.

Con đường hoa tại làng Ring Rai (xã Hà Bầu). Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Hngên cho biết: Làng có 305 hộ, gồm 291 hộ Jrai và 14 hộ người Kinh, cuộc sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cà phê với 286 ha, hồ tiêu 30 ha cùng 209 ha lúa nước, rau màu và cây thực phẩm. Những năm gần đây, bà con tập trung chuyển đổi cây trồng, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, nhiều người vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku), học nghề thợ xây... Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 3 hộ/305 hộ. “Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Nhà nước đầu tư hơn 1 tỷ đồng, người dân làng Ring Rai cũng đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng để xây dựng nhà ở, hàng rào. Đến nay, diện mạo của làng đã thay đổi vượt bậc khi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng cao”-Trưởng thôn Ring Rai thông tin.

Đang chăm sóc đàn bò sinh sản sau những ngày đón Tết vui vẻ, ông Anh (làng Ring Rai) cho hay: Nhà tôi nằm trên trục đường chính ra cánh đồng lúa nước và cà phê của nhiều hộ trong làng. Khi tuyến đường được đầu tư bê tông hóa, tôi chủ động chuyển hàng rào vào bên trong để mở rộng mặt đường, đóng góp thêm tiền để tuyến đường hoàn thiện giúp bà con đi lại và vận chuyển hàng nông sản thuận lợi. Những ngày Tết, chúng tôi vui hơn khi làng được công nhận là làng NTM”.

Tại làng Châm Prông (xã Ia Băng), không khí xuân tràn ngập khắp mọi nhà. Trò chuyện cùng chúng tôi, Trưởng thôn Ksor Jar phấn khởi nói: Sau khi được chọn xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số, từ đầu năm 2021, qua tuyên truyền, vận động, bà con trong làng đã hiến đất và ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đến nay, cơ sở hạ tầng của làng đã hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng cao. Năm nay, bà con đón Tết vui vẻ. Mong sao, giá nông sản trong năm 2022 tiếp tục thuận lợi để cuộc sống người dân ngày càng ổn định, ấm no.

Nhiều người dân ở làng Châm Prông (xã Ia Băng) đã chuyển sang trồng hoa lay ơn phục vụ Tết để nâng cao thu nhập. Ảnh: Nguyễn Diệp


Theo ông Trần Văn Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng, năm 2021, dù gặp dù nhiều khó khăn và bất lợi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân làng Châm Prông vẫn chung sức đồng lòng vượt qua đại dịch khi chủ động liên kết với các doanh nghiệp sản xuất-tiêu thụ cà phê theo tiêu chuẩn 4C… Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 11/241 hộ, chiếm 4,5%, các tiêu chí khác đều đạt theo quy định.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp và sự chung sức của người dân, 5 làng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được UBND huyện công nhận làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện toàn huyện có 9 thôn, làng đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 12,9%. Năm 2022, huyện phấn đấu có thêm 3 làng đạt chuẩn NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số.

 

NGUYỄN DIỆP 

Có thể bạn quan tâm