Suy ngẫm về quyền và trách nhiệm trong bầu cử hiện nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 23-5 tới đây, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử để chọn người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn luận về quyền và trách nhiệm của những người tham gia vào sự kiện chính trị quan trọng này là cách thức để tưởng nhớ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
1. Một trong những giá trị cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng dân chủ, trong đó, cùng với việc nêu rõ bản chất, vai trò của dân chủ, Người đã chỉ ra cách thức và thực hành xuất sắc nó trong quá trình tạo lập, củng cố và phát huy vai trò của nền dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ quan niệm đúng đắn về quần chúng nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân”, là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Người luôn nhắc nhở những người lãnh đạo rằng: Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của Nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Dân chủ không chỉ là quyền lực thuộc về Nhân dân, quan trọng hơn là phải làm cho dân được hưởng quyền dân chủ, phát huy được quyền ấy trong xây dựng nhà nước mới, xã hội mới.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ lâm thời xác lập nền tảng dân chủ và pháp quyền cho chế độ nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, đó là tổ chức tổng tuyển cử và xây dựng hiến pháp dân chủ. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức vào ngày 6-1-1946, bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Đó là mốc son đánh dấu sự xác lập chính thể dân chủ, nhà nước pháp quyền của Việt Nam.
Tạo lập nhà nước dân chủ là công việc đầu tiên. Để xây dựng, củng cố chế độ dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống chính trị-thiết chế và cơ chế để thực hành dân chủ trong thể chế chính trị dân chủ. Vì thế, Người không ngừng chăm lo xây dựng để Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, mỗi đảng viên là người đày tớ trung thành của Nhân dân. Cùng với đó, Người thường xuyên quan tâm củng cố, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức đại diện nhu cầu lợi ích của các tầng lớp Nhân dân.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri TP. Pleiku của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phương Dung
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri TP. Pleiku của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phương Dung
Thực hành dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở sự tự do, dân chủ trong thảo luận để tìm ra chân lý. Thực hành dân chủ còn thể hiện ở việc rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Người kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân bằng mọi cách, ở mọi nơi và khuyên mọi người phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để thực hiện quyền dân chủ, quyền làm chủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn biết khơi dậy khát vọng, sức mạnh của Nhân dân bằng cách giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích và trách nhiệm, giữa quyền hạn và bổn phận, coi lợi ích là động lực trực tiếp thúc đẩy mọi hành động chính trị của quần chúng. Người chỉ rõ: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Khi dân đã hiểu và đã biết thì phải tạo điều kiện để “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương”. Khi đã thống nhất, đồng thuận, dân sẽ dùng chính sức lao động của mình vào những việc làm cụ thể một cách tự giác và cán bộ lãnh đạo phải có nhiệm vụ động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. “Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Đó là kết thúc đầy trách nhiệm, đậm chất nhân văn của quy trình dân chủ được dẫn dắt và thực hiện bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Được trang bị bằng lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, trong suốt quá trình cách mạng hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn hướng tới mục tiêu xây dựng một chế độ dân chủ mới, xã hội mới: tự do, phồn vinh, hạnh phúc cho mọi tầng lớp Nhân dân Việt Nam. Chính nhờ đó mà Đảng ta đã phát huy được sức mạnh to lớn của cả dân tộc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngay sau khi đất nước thống nhất, Đảng ta đã xác định việc xây dựng chế độ dân chủ là một mục nội dung hợp thành mô hình xã hội mới. Đặc biệt, từ đổi mới đến nay, Đảng ta luôn thống nhất quan điểm: “Lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”, “Mọi chủ trương chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của Nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”. Nhờ đó, tạo động lực to lớn trong sự nghiệp đổi mới.
Đúc kết kinh nghiệm trong thời kỳ đổi mới, 1 trong 5 bài học lớn được Đảng chỉ ra là: “Trong mọi công việc của Đảng, của Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”… Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Ngày 23-5 tới đây, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử để chọn người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là một phương thức thực hành dân chủ trực tiếp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ghi nhớ công ơn Bác, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách thực hành dân chủ của Người, trong lúc này đòi hỏi mỗi công dân nhận thức rằng, đây là sự kiện chính trị quan trọng tiếp theo, góp phần lựa chọn-ủy quyền, trao quyền cho những người xứng đáng đảm nhận trọng trách trong các cơ quan quyền lực cao nhất ở từng địa phương và trong cả nước. Thành công của cuộc bầu cử không chỉ phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của hội đồng bầu cử và các cơ quan có thẩm quyền, chủ yếu và quyết định là mức độ quan tâm và cách thể hiện quyền và nghĩa vụ trong đời sống chính trị của mọi cử tri cả nước.
Vì thế, cử tri cần thể hiện rõ nghĩa vụ của mình qua nghiên cứu kỹ càng, tìm hiểu đầy đủ, cụ thể danh sách các đại biểu được giới thiệu; có trách nhiệm khi bỏ lá phiếu để trao quyền, ủy quyền cho những người đủ tài, đủ đức, xứng đáng là người đại diện cho chính mình và cho cộng đồng trong Quốc hội và HĐND các cấp. Đây cũng được xem là một công đoạn quan trọng để mọi người dân phát huy vai trò của mình.
Hy vọng với cách làm này, mỗi người dân có thể tham gia “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết” trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội.
PGS-TS. HỒ TẤN SÁNG