Kinh tế

Tác động tích cực đến "tam nông"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nông dân phải làm gì để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiếp tục sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới?
 

 

Ông Rơ Mah Giáp-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Gia Lai về vấn đề trên.

* P.V: Thưa ông, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, giai đoạn 2012-2014” đã tác động như thế nào đến đời sống của nông hộ?

- Ông Rơ Mah Giáp: Gần 16 năm phát động (Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động từ năm 1998), phong trào đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm và tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền; sự hưởng ứng của đông đảo hội viên, nông dân. Tại Gia Lai, chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay đã có gần 252.000 lượt hội viên đăng ký tham gia và có 46.839 lượt hội viên được bình xét đạt danh hiệu nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 19.176 lượt hội viên là người dân tộc thiểu số. Phong trào cũng phản ánh khá rõ quá trình đổi mới cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn-nông dân.

Đối với nông nghiệp, đã khai thác được thế mạnh về đất đai, mở rộng ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp toàn diện, đưa cơ cấu sản xuất và lao động nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng tỷ trọng hàng hóa.

Đối với nông thôn, phong trào góp phần tạo ra hàng ngàn việc làm. Theo đó, thu nhập của người nông dân được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện cho nông dân tham gia cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Đối với nông dân, phong trào đã khuyến khích họ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Trình độ, tay nghề được nâng lên đáng kể...

Chính phong trào này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 17,23%.

* P.V: Trong thời gian tới các cấp hội trong tỉnh phải làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào này, thưa ông?

 

 Chuyển giao giống lúa mới. Ảnh: B.N
Chuyển giao giống lúa mới. Ảnh: B.N

- Ông Rơ Mah Giáp: Trong thời gian tới, các cấp hội trong tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020; tuyên truyền vận động nông dân tích cực tham gia phong trào thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực về vốn, lao động, đất đai; mở rộng các hoạt động quỹ hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện cho nông dân vay và sử dụng vốn có hiệu quả hơn, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, xây dựng mô hình; mở các lớp tập huấn, dạy nghề, tạo việc làm...

Bên cạnh đó, sẽ tích cực tôn vinh và nhân rộng điển hình, bởi những hộ sản xuất-kinh doanh giỏi không chỉ là những nhân tố tiên phong trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn mà còn giúp đỡ, hỗ trợ và là chỗ dựa quan trọng cho các hộ nông dân nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

* P.V: Để phong trào này đi vào chiều sâu, theo ông, trong giai đoạn 2014-2016, Hội sẽ làm gì để thực hiện đạt các tiêu chí đề ra?

- Ông Rơ Mah Giáp: Thời gian tới, để phong trào đi vào chiều sâu, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành vận động hội viên nông dân tiếp tục phát huy nguồn lực với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đẩy mạnh phong trào hiến đất, đóng góp công, của để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn.

Nâng cao chất lượng phong trào, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vận động hội viên xử lý chất thải bằng cách xây dựng hầm biogas, xây dựng hố rác tự hoại gia đình, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giúp đỡ hội viên nghèo về nhà ở, vốn sản xuất…

Ngoài ra, các cấp hội phối hợp thực hiện tốt chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn và triển khai các chương trình khuyến nông nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng lao động nông nghiệp từng bước sang công nghiệp và dịch vụ...

* P.V: Hiện nay nông dân đang đối mặt với thực trạng sản xuất nhỏ lẻ, giá cả bấp bênh, được mùa rớt giá, sâu bệnh hại trên cây trồng vật nuôi,… Vậy, nông dân phải làm gì để vượt qua những trở lực trên?

 

 Thành lập nhiều HTX nghề truyền thống giúp nhân dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Ảnh: B.N
Thành lập nhiều HTX nghề truyền thống giúp nhân dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.
Ảnh: B.N

- Ông Rơ Mah Giáp: Để khắc phục tình trạng trên, trước hết các ngành chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn nông dân hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, có sản lượng và chất lượng cao, đảm bảo an toàn, đáp ứng trong nước và xuất khẩu.

Đây là giải pháp nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, tiến tới xây dựng các hợp tác xã kiểu mẫu, thúc đẩy nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi đầu tư vốn, lao động, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, gắn sản xuất với thị trường.

Bên cạnh, tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân tham gia thực hiện có hiệu quả Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ về liên kết “4 nhà” nhằm mở rộng các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Nga (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm