Theo báo cáo mới công bố của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), gần 17 triệu trẻ em đang phải sống tại những khu vực có mức ô nhiễm không khí cao hơn ít nhất 6 lần so với giới hạn của quốc tế.
Ảnh internet |
Điều này khiến các em phải thở không khí độc hại và bị đe dọa tới sự phát triển của não bộ.
Phóng viên tại LHQ cho biết báo cáo có tên "Mối nguy hiểm trong không khí" cảnh báo việc phải hít thở không khí đặc biệt ô nhiễm có thể làm tổn thương các mô não và gây hại tới sự phát triển nhận thức, để lại hậu quả cả cuộc đời.
Giám đốc điều hành UNICEF, ông Anthony Lake cho biết không khí ô nhiễm không chỉ gây phương hại tới quá trình phát triển phổi ở trẻ sơ sinh mà còn gây ra tổn hại lâu dài tới sự phát triển não của trẻ.
Hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy Nam Á là khu vực có tới 12,2 triệu trẻ em dưới 1 tuổi phải sống ở những khu vực mà mức độ ô nhiễm ngoài trời cao gấp 6 lần giới hạn quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ấn định.
Trong khi đó, Đông Á và Thái Bình Dương có khoảng 4,3 triệu trẻ em dưới 1 tuổi phải sống ở những vùng có không khí ô nhiễm cao gấp 6 lần giới hạn. Ông Lake nhấn mạnh rằng bảo vệ trẻ em trước tình trạng ô nhiễm không khí "không chỉ có lợi cho các em, mà còn cho xã hội thông qua làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng năng suất và môi trường sạch hơn an toàn hơn cho tất cả mọi người".
Cũng theo báo cáo trên, tình trạng ô nhiễm không khí, tương tự như việc trẻ không được cung cấp đủ dinh dưỡng và kích thích sự phát triển hay bị biến thành mục tiêu bạo lực trong 100 ngày đầu đời, có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ.
Những phần tử ô nhiễm cực mảnh nhỏ đến mức có thể thâm nhập vào mạch máu, vào não và phá hủy hàng rào máu não, có thể gây ra chứng bệnh viêm thần kinh. Một số phần tử ô nhiễm có thể gây ra những chứng bệnh thoái hóa thần kinh trong khi một số khác có thể làm tổn thương những vùng não phục vụ việc học và phát triển.
Báo cáo của UNICEF đã khuyến cáo những biện pháp khẩn cấp để làm giảm tác động của tình trạng ô nhiễm không khí đối với sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ: như các bậc phụ huynh cần ngay lập tức giảm sử dụng những sản phẩm độc hại như thuốc lá, lò vi sóng...
Báo cáo cũng đề xuất cần đầu tư những nguồn năng lượng sạch tài sinh để thay thế cho việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cải thiện dịch vụ giao thông công cộng, tăng khu vực xanh ở đô thị, và đưa ra phương án quản lý rác thải tốt hơn để ngăn chặn việc đốt sản phẩm hóa chất độc hại ở ngoài trời.
Báo cáo khuyến khích giảm bớt tác động của không khí ô nhiễm đối với trẻ em bằng các biện pháp như đi lại vào thời điểm không khí ít độc hại hơn trong ngày, sử dụng mặt nạ lọc khí độc, và quy hoạch đô thị một cách hợp lý sao cho những "thủ phạm" chính gây ô nhiễm không được đặt gần trường học hay bệnh viện.
Báo cáo cũng khuyến cáo cải thiện sức khỏe nói chung của trẻ em để tăng sức đề kháng cho các em, đồng thời tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ và dinh dưỡng tốt.
Theo TTXVN