Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp, nông thôn Gia Lai tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng; toàn cảnh kinh tế-xã hội ở nông thôn đã có nhiều đổi thay mang tầm vóc lớn. Nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ nét. Dân chủ ở cơ sở được phát huy thể hiện rõ qua việc người dân được tham gia xây dựng, thảo luận tiêu chí quy hoạch, xây dựng đề án, lựa chọn công trình cần làm trước, cách thức thực hiện đến việc quyết định các công việc cần bàn, cần làm trong xây dựng nông thôn mới ở thôn, xã mình. Cách thức đó không chỉ động viên người dân phấn khởi, đoàn kết, tự giác đóng góp xây dựng công trình công cộng trên địa bàn mà còn tiết kiệm khoảng 20% đến 25% kinh phí xây dựng, chất lượng công trình tốt hơn.

 

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong gần 5 năm qua trên 11.436 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước các cấp trên 3.954 tỷ đồng; cộng đồng dân cư đóng góp trực tiếp trên 1.479,6 tỷ đồng, còn lại là các nguồn khác. Các địa phương trong tỉnh đã vận động nhân dân hiến gần 110.000 m2 đất, 300 m tường rào, 50 m2 ao để xây dựng đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học…; đóng góp hàng chục vạn ngày công lao động để thực hiện chương trình, điển hình như các huyện: Kbang, Đak Đoa, Đak Pơ, Chư Prông, Phú Thiện.

Hạ tầng nông thôn phát triển, bộ mặt nông thôn đổi thay rõ rệt, tăng độ hưởng thụ trực tiếp và tạo sự phấn khởi, tin tưởng cho người dân; đồng thời tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, được đánh giá là kết quả rõ nhất của xây dựng nông thôn mới. Ở lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng chuyển dịch mạnh theo hướng đa dạng, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương; việc ứng dụng khoa học, công nghệ, các mô hình mới vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa được chú trọng; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là tiến bộ về giống, phân hóa học liên tục được đưa vào sản xuất; năng suất, chất lượng, giá trị của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, cao su, tiêu, điều, chè, mì liên tục được nâng cao… Năm 2015 giá trị sản phẩm thu được 1 ha đất trồng là 83,76 triệu đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2010. Đáng chú ý, lĩnh vực trồng trọt đã định hình các vùng chuyên canh tập trung cây công nghiệp ngắn và dài ngày, cây lương thực quy mô lớn gắn với các nhà máy chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Bên cạnh kết quả đạt được, nông nghiệp, nông thôn Gia Lai đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Đó là: kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất kém phát triển, nhất là giao thông nội đồng. Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo cũng như năng suất lao động còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao; quy mô sản xuất nhỏ. Vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng; nhất là đầu tư cho cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản. Các chính sách như hỗ trợ vốn tín dụng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực tam nông còn bỏ ngỏ, chưa phát huy hết hiệu quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống. Công nghệ sản xuất cũ chậm được đổi mới; hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm chưa nhiều nên giá trị của sản phẩm còn thấp, chủ yếu xuất bán nguyên liệu thô. Một số vấn đề “nóng” trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn như ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn; chênh lệch đời sống giữa nông thôn và đô thị ngày càng tăng. Thị trường đầu vào của sản xuất nông nghiệp biến động theo hướng bất lợi cho các hộ nông dân, rồi lại thiếu những nhà cung cấp tin cậy, ổn định, thiếu thông tin để nông dân có cơ hội lựa chọn giá vật tư đầu vào…

Để đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đề ra, từ kết quả, kinh nghiệm trong 5 năm qua, sắp đến Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh sẽ cùng với các ngành, các địa phương trong tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về xây dựng nông thôn mới để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ vận hành chương trình và người dân nông thôn. Phổ biến mô hình hay, cách làm tốt, tổ chức học tập thực tiễn để người dân đồng thuận, sáng tạo hơn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch chi tiết về xây dựng nông thôn mới theo từng ngành phù hợp từng giai đoạn để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt ưu tiên quy hoạch chi tiết sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản. Triển khai có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển toàn diện trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất để từng bước phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

 

Sử dụng tiềm năng rừng, đất rừng của tỉnh có hiệu quả.

Xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, huy động nguồn lực các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn mà trước hết là sử dụng tiềm năng rừng, đất rừng của tỉnh có hiệu quả mang lại cuộc sống ổn định cho người dân ở gần rừng, không để mất rừng, mất đất; ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; khuyến khích liên kết các hộ sản xuất thông qua hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn; mô hình phát triển sản xuất cho thu nhập cao, phù hợp với lợi thế từng vùng, từng địa phương. Phát triển mạnh chăn nuôi theo quy mô công nghiệp. Tiếp tục xây dựng thương hiệu tập thể một số nông sản hàng hóa có thế mạnh của tỉnh. Tập trung trồng rừng sản xuất ở các công ty lâm nghiệp. Mở rộng giao khoán quản lý bảo vệ rừng, giao rừng cho người dân hoặc cộng đồng đối với diện tích rừng hiện do xã quản lý để rừng thực sự có người quản lý nhằm cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông-lâm nghiệp gắn kết chặt chẽ với việc làm, thu nhập của nhân dân vùng nông thôn mới. Huy động tốt các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nhân rộng mô hình liên kết 4 nhà. Phấn đấu đến năm 2020 có 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Với truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất của bà con nông dân các dân tộc trong tỉnh, nông nghiệp, nông thôn Gia Lai sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, phấn đấu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV đề ra.

 Quang Văn

Có thể bạn quan tâm