TN - Đất & Người

Tái định cư nhưng chưa an cư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không ít khu tái định cư ở Kon Tum hiện đang gặp nhiều tồn tại như: Dự án hết thời hạn phải dừng lại dở dang, không đưa được dân vào cư ngụ như kế hoạch; dự án xây dựng ở vị trí bất lợi gây khó khăn canh tác nên dân bỏ về nơi ở cũ…

Chị Y Xuyên (xã Đắk Long, huyện Đắk Hà) bên căn nhà ở khu tái định cư
Chị Y Xuyên (xã Đắk Long, huyện Đắk Hà) bên căn nhà ở khu tái định cư
Thiếu thốn đủ thứ
Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đắk Hring (nay là xã Đắk Long, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) triển khai trong giai đoạn 2009-2015, bố trí ổn định dân cư cho 300 hộ (1.500 nhân khẩu) thiếu đất sản xuất do ngập lòng hồ Thủy điện Plei Krông. Tổng diện tích quy hoạch dự án là 690ha với mức đầu tư 149 tỷ đồng. Dự án kết thúc đã lâu, nhưng đến nay, khu tái định cư vẫn ngổn ngang khi chưa đưa hết dân đến ở, trong khi các hộ đến ở thì đời sống gặp khốn khó, phải bỏ về làng cũ. Ghi nhận thực tế ở khu tái định cư này vào thời điểm tháng 3-2022, hàng loạt căn nhà đã xây dựng phần thô, không cửa, bỏ hoang khiến cỏ mọc um tùm. Các ngôi nhà này phía sau lưng là vực sâu, nguy cơ sạt lở rất cao. Nhà tái cư của dân đang ở nhỏ hẹp.
Chị Y Xuyên (xã Đắk Long) cho biết, lúc trước, chị ở thôn Đắk Mút, xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, hàng ngày chị đi đánh cá trên lòng hồ thủy điện. Mấy năm nay, chị chuyển lên khu tái định cư Đắk Long sinh sống vì được hứa hẹn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sử dụng đầy đủ. Thế nhưng khi lên đây, đất sản xuất thì cấp chưa đủ, nước sinh hoạt thì thiếu vì giếng cạn. Để có nước, gia đình chị phải mua dây để kéo nước từ hàng xóm qua. Cũng theo chị Y Xuyên, sau bao năm lên nơi ở mới, cuộc sống ở khu tái định cư vẫn không tốt hơn ở làng cũ, vẫn thiếu thốn nhiều thứ, nhất là đất sản xuất.
Kết quả rà soát mới đây của Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cho thấy, tổng số hộ lên khu tái định là 126 hộ/677 khẩu, trong đó có khoảng 74 hộ/407 khẩu ở cố định, đạt 22,06% so với dự án đã được duyệt. Dự án có nhiều tồn tại như nhà tái định cư chưa hoàn thiện, có nhà thiếu cửa, chưa tô trát nền, chưa có nhà bếp, nhà vệ sinh, nên nhiều hộ dân không sử dụng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đất sản xuất còn xảy ra. Cụ thể, theo mục tiêu dự án, các hộ di dời lên nơi ở mới được nhận diện tích đất 20.000m2/hộ để sản xuất. Tuy nhiên đến nay, bình quân mỗi hộ chỉ nhận được hơn 6.700m2 đất sản xuất. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước sinh hoạt còn xảy ra. Mặc dù dự án đã đào 37 giếng, nhưng chỉ có 6 giếng có nước, còn 31 giếng không có nước vào mùa khô.
Trở về chỗ cũ
Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) có tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng. Dự án bố trí, di dời và tái định cư cho 662 hộ/2.184 khẩu ở 9 điểm, tổng diện tích đất là 60ha, hiện đã bố trí và giải ngân hết số tiền 134 tỷ đồng. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, hiện vẫn còn tình trạng một số hộ dân thường xuyên bỏ khu tái định cư để về ở lại nhà cũ gần khu sản xuất. Bên cạnh đó, một số hộ dân không về khu tái định cư, không chịu nhận nhà. Ngoài ra, một số công trình hạ tầng công cộng, nhà ở tái định cư đã xuống cấp, nhưng chưa được xử lý khắc phục kịp thời nên dân không mặn mà.
Tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum có 3 dự án tái định cư là: Dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn (năm 2010); dự án bố trí, sắp xếp dân di cư tự do và sắp xếp dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn (năm 2020); và dự án di dời tái định cư cho các hộ dân 3 xã Tê Xăng, Tu Mơ Rông, Đắk Rơ Ông. Tổng mức đầu tư của 3 dự án là 309 tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kon Tum, một số điểm tái định cư chưa thực sự thuận lợi cho đi lại, sản xuất của người dân; các cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường nội thôn, nhà văn hóa, công trình thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng ở các khu tái định cư… vừa bàn giao khai thác, sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp.
Theo HỮU PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm