Chiều 27/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thứ khóa XV, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã dừng 8 năm trước. Báo cáo đề nghị tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội.
Phát triển điện hạt nhân là cần thiết
Từ sau năm 1996, chương trình điện hạt nhân được đẩy mạnh với việc lựa chọn các địa điểm, nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS). Năm 2009, Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân và được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Liên bang Nga và Nhật Bản là hai đối tác đầu tiên được lựa chọn thực hiện 2 dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2010-2016.
Bối cảnh phát triển năng lượng hiện nay khi tái khởi động dự án điện hạt nhân đã khác so với năm 2009. Điện than phải giảm dần tiến đến loại bỏ do vấn đề môi trường nhằm thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ. Điện khí hóa lỏng không thể bảo đảm nguồn cung ổn định và giá cả phù hợp. Thủy điện lớn đã khai thác hết dư địa. Năng lượng tái tạo phát triển rất nhanh trên thế giới cũng như ở Việt Nam; các công nghệ lưu trữ điện năng cũng được đầu tư phát triển mạnh. Công nghệ phát điện từ than và khí có hệ thống thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) đã được phát triển để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải CO2…
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho rằng, chủ trương quay lại phát triển điện hạt nhân là đúng đắn, được Trung ương đánh giá nghiêm túc và khoa học chứ không chỉ là giải pháp do cơ cấu của việc thiếu năng lượng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 phải sử dụng công nghệ kiểu mới, hiện đại, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất với tiêu chí "điện hạt nhân phải đưa mức an toàn lên tối đa, rủi ro về 0”. Bên cạnh đó, tùy thuộc tình hình kinh tế-xã hội, sẽ quy định cơ chế đặc thù để triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân…
Ông Hoàng Anh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, nhà máy điện hạt nhân là dự án quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia nên việc đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động cũng như đảm bảo an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử, các quy định liên quan cũng như đảm bảo các tiêu chí về phát triển điện hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Việt Nam đang cơ bản hội tụ được nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển điện hạt nhân như: Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân; nguồn nhân lực đã được đào tạo bài bản và hệ thống thể chế, hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ, Việt Nam đã có hệ thống pháp quy hạt nhân, Luật Năng lượng nguyên tử, các văn bản pháp quy hạt nhân cho quá trình triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục có chương trình đào tạo nâng cao để sẵn sàng nguồn nhân lực cho việc triển khai các dự án chương trình điện hạt nhân đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh, hiệu quả và bền vững theo kinh nghiệm quốc tế.
Cần tiếp tục thực hiện từ giai đoạn nghiên cứu khả thi
Ông Lê Doãn Phác, nguyên Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tổng công suất 4.000 MW đặt tại huyện Thuận Nam và Ninh Hải đã được Chính phủ Việt Nam cùng với Liên bang Nga và Nhật Bản nghiên cứu kỹ lưỡng, đang thực hiện ở giai đoạn nghiên cứu khả thi (nghiên cứu FS). Vì vậy, Việt Nam cần kế thừa và tiếp tục nghiên cứu từ FS để tránh lãng phí.
Thực tế, Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được Việt Nam hợp tác với Liên bang Nga. Phía Nga đã hoàn thành, bàn giao hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) bản tiếng Anh vào cuối tháng 12/2013. Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được Việt Nam hợp tác với Nhật Bản. Phía Nhật Bản cũng đã hoàn thành, bàn giao hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bên liên quan, bổ sung lần 2 để làm rõ điều kiện địa chất, tính toán địa chấn tại địa điểm vào năm 2014.
Cùng với đó, các nhà khoa học Việt Nam đã triển khai các đề tài độc lập cấp nhà nước về địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 nhằm đưa ra những nghiên cứu độc lập đối với các địa điểm dự kiến xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến động đất, đứt gãy hoạt động và sóng thần. Hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của dự án đã được gửi đến các bộ, ngành đề nghị thẩm định theo quy định.
Đầu tháng 9/2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án với tiến độ dự kiến đưa tổ máy số 1 và số 2 của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành thương mại lần lượt vào năm 2028 và 2029. Tuy nhiên, năm 2016 Việt Nam đã quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân do tình hình kinh tế cụ thể của Việt Nam tại thời điểm đó có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án. Vì vậy, cùng với chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ nên xem xét triển khai tiếp ở giai đoạn nghiên cứu khả thi.
Cũng theo các chuyên gia trong lĩnh lực năng lượng nguyên tử, cùng với việc phát triển điện hạt nhân để góp phần thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” -Net Zero vào năm 2050 tại COP26, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần sớm đưa điện hạt nhân vào xem xét như là một nguồn điện trong tương lai để xem xét, điều chỉnh và bổ sung trong Quy hoạch điện VIII.