Bạn đọc

Tai nạn do ngạt nước: Đừng để quá muộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cái chết của bé trai T.H.T. (SN 2014, tổ 13, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) hôm 13-3 vừa qua đã gióng thêm hồi chuông báo động về các trường hợp tai nạn do ngạt nước.

Căn nhà nhỏ đường Phùng Khắc Khoan ngày trước vốn rộn rã tiếng cười của bé T. nay không khí u buồn, tang tóc. Hàng xóm, láng giềng và cả những người không quen biết đã đến để chia buồn cùng gia đình. Chị Hiền-một hàng xóm cho biết: “Thằng bé dễ thương và ngoan lắm. Chiều nào nó cũng chơi đùa trước ngõ. Ai cho quà bánh đều cảm ơn. Mới hôm qua còn thấy nó vui vẻ, vậy mà hôm nay...”. T. vốn đã bất hạnh từ nhỏ, em mồ côi mẹ ngay khi vừa lọt lòng. Cha em sau đó bỏ đi nơi khác. T. và anh trai (học lớp 10) sống cùng bà ngoại. Bà ngoại già không làm ra tiền nên cảnh nhà rất khó khăn. 

 

Hạn chế cho trẻ chơi đùa gần khu vực ao hồ, sông suối vì dễ xảy ra tai nạn. Ảnh: N.N
Hạn chế cho trẻ chơi đùa gần khu vực ao hồ, sông suối vì dễ xảy ra tai nạn. Ảnh: N.N

Buổi tối định mệnh, T. ra sau nhà chơi thì ngã vào phuy đựng nước. Khi phát hiện, gia đình nhanh chóng đưa vào Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku cấp cứu và sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Gia Lai. Bác sĩ Phan Xuân Hoàng (Khoa Hồi sức-Tích cực-Chống độc, Bệnh viện Nhi) cho biết: Bệnh nhi T.H.T. nhập viện vào lúc 21 giờ 11 phút ngày 12-3. Tình trạng ban đầu da lạnh toàn thân, đồng tử không đáp ứng ánh sáng, hôn mê sâu, tiên lượng xấu. Đến rạng sáng 13-3, nhịp tim nhanh, không tự thở, phải bóp bóng hoàn toàn. Thấy cháu T. không thể qua khỏi nên gia đình đã xin cho được về nhà. T. mất, cả xóm đều tiếc thương; thương cho đứa bé tội nghiệp qua đời vì một tai nạn mà lý ra có thể phòng tránh được.

Những tai nạn thương tích đối với trẻ nhỏ thường để lại nỗi ân hận khôn nguôi. Trường hợp trẻ bị ngạt nước do ngã vào những vật chứa nước ngay trong nhà tưởng hy hữu nhưng không phải hiếm. Tương tự như T., em Rơ Châm Hong (SN 2017, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức-Tích cực-Chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai). Bố mẹ em đi làm gửi con cho bà trông giúp. Khi bà bận việc thì Hong lẫm chẫm đi lại, không may ngã vào thau nước lau nhà. Chăm con tại bệnh viện, mẹ Hong cứ rấm rứt khóc vì xót xa, vì không thể tin được rằng con lại gặp tai nạn ngay trong chính nhà mình.

Bác sĩ Hoàng cho biết: Hong nhập viện vào trưa 12-3 trong tình trạng kích thích, vật vã, khó thở và quấy khóc nhiều. May mắn là Hong hiện đã qua giai đoạn nguy hiểm, tình trạng đang tốt dần lên. Bé đã không còn khó thở nhưng vẫn còn quấy khóc vô cớ. Hiện em đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi.              

Từ khi đi vào hoạt động (tháng 5-2017) đến nay, Bệnh viện Nhi Gia Lai đã tiếp nhận 3 trường hợp tương tự. Tính cả 2 trường hợp trên, cả 5 ca nhập viện đều là trẻ nhỏ. May mắn là 3 trường hợp đầu được cấp cứu kịp thời nên không xảy ra biến chứng đáng tiếc.

Bác sĩ Hoàng khuyến cáo: Đối với trẻ nhỏ, khi phát hiện các cháu ngạt nước, cần tiến hành sơ cấp cứu kịp thời, nhanh chóng vì chỉ 3- 4 phút kể từ khi bị ngạt là đã có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sơ cấp cứu ban đầu vô cùng quan trọng, tốt nhất là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên; đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo, đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống, nếu không có thể khiến nạn nhân tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời.

“Hãy phòng tránh tai nạn thương tích trước khi quá muộn. Gia đình có con nhỏ cần chú ý quan sát, giám sát, không để trẻ tiếp cận những vật dụng có nguy cơ gây tai nạn thương tích. Các vật dụng nguy hiểm như: dao, kéo, nước sôi, xăng, dầu, ổ điện... đặt xa tầm với của trẻ. Xô chậu, lu đựng nước trong nhà cần có nắp đậy để phòng trẻ nghịch nước té ngã gây ngạt nước, dẫn đến hậu quả khó lường”-bác sĩ Hoàng nói thêm.

Như  Nguyện

Có thể bạn quan tâm