Thời sự - Sự kiện

Tai nạn do pháo nổ đêm giao thừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của pháo nổ, song ở Gia Lai vẫn còn nhiều người vô tư đốt pháo trong đêm giao thừa dẫn đến tai nạn cho chính mình và những người xung quanh. Nhiều trường hợp nhập viện với chấn thương nặng có thể gây mất thị lực vĩnh viễn do pháo.

Sáng mùng 1 Tết, khi mọi nhà đang nô nức đón năm mới thì chị Nguyễn Thị Hồng Hà (phường Trà Bá, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) lại tất tả lên chuyến bay từ TP. Pleiku vào TP. Hồ Chí Minh để chữa trị đôi mắt cho con gái Nguyễn Hồng Ngân (18 tuổi). Khoảng 23 giờ tối 30 Tết, Ngân đang đi xe máy trên đường Nguyễn Viết Xuân để đến Quảng trường Đại Đoàn Kết ngắm pháo hoa thì bất ngờ gặp một đám đông đang đốt pháo. Không kịp dừng lại, một quả pháo đã bay thẳng vào mắt khiến Ngân hốt hoảng bịt mắt lại nhưng đã quá muộn.

Một bên mắt bị chảy máu, Ngân gọi điện thoại cho mẹ để đưa đi bệnh viện, còn những người xung quanh đều bỏ đi. Chị Hà bức xúc: “Lúc đó tôi đang chuẩn bị cúng giao thừa, nghe điện thoại của con thì giật mình. Lên thấy con như vậy lòng dạ tôi xót vô cùng. Con tôi đâu có chơi pháo mà lại bị pháo của người ta gây ra tai nạn rồi cũng không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nghĩ người dân nên có ý thức, không nên đốt pháo nổ và chỉ đốt ở những nơi an toàn chứ đốt ngoài đường như vậy gặp tai nạn thì hối hận cũng không kịp”.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tích cực tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân trong đêm giao thừa. Ảnh: Văn Ngọc

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tích cực tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân trong đêm giao thừa. Ảnh: Văn Ngọc

Thay vì cùng nhau đón giao thừa, chị Hà chở con đi khắp các bệnh viện ngay trong đêm để tìm cách chữa trị. Khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bác sĩ xác định Ngân bị bỏng giác mạc nặng một bên mắt. Để kịp thời chữa trị cần được chuyển tuyến vào các bệnh viện chuyên khoa tại TP. Hồ Chí Minh để khẩn trương phẫu thuật. “Bác sĩ nói con tôi có nguy cơ mù vĩnh viễn vì vết thương do pháo nổ rất nặng. Nếu phẫu thuật thành công thì thị lực của con tôi cũng bị suy giảm không còn được như trước nữa. Con tôi cả đêm đau nhức mắt không ngủ được. Con tôi là nữ, mới 18 tuổi còn cả tương lai phía trước, lỡ bây giờ mắt con tôi bị làm sao thì tội biết nhường nào. Tôi mong các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hơn nữa với những hành vi đốt pháo nổ”-chị Hà bày tỏ.

Sáng mùng 1 Tết, ông Đ.V.K-cha của Đ.T.Đ (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) phải cùng con trên xe cấp cứu vào TP. Hồ Chí Minh để phẫu thuật 2 mắt do pháo nổ. Đêm giao thừa, Đ. đốt pháo ở nhà thì không may có quả pháo nổ bất ngờ vào vùng mặt. Đ. vào Bệnh viện cấp cứu lúc 2 giờ sáng mùng 1 Tết với chẩn đoán bỏng giác mạc nặng buộc phải phẫu thuật tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông K. đau buồn: “Tết nhất có tiếng pháo cũng vui nhà vui cửa nhưng đâu ngờ dẫn đến tai nạn như vậy. Giờ cả nhà mất Tết, con tôi thì có nguy cơ bị mù. Giờ chúng tôi sợ pháo lắm rồi, chỉ ước mọi việc như chưa từng xảy ra. Con tôi đang học lớp 10, giờ đi chữa bệnh không biết bao giờ hồi phục chắc chắn việc học cũng bị dang dở rồi”.

Theo thống kê tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau giao thừa đã có 5 trường hợp nhập viện do pháo nổ và đều bị vết thương bỏng giác mạc mức độ nặng buộc phải chuyển viện lên tuyến trên. Trong số này có trường hợp là 3 học sinh đang theo học tại các Trường THPT, có 3 ca xảy ra ở huyện Mang Yang, 1 ca ở huyện Chư Prông, 1 ca ở TP. Pleiku. Cùng thời điểm, ở Bệnh viện Nhi tỉnh tiếp nhận 2 ca, trong đó 1 ca ở huyện Mang Yang và 1 ca ở TP. Pleiku bị các vết thương phần chân, tay do liên quan pháo nổ.

Bác sĩ Dương Thái Thuấn-Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cảnh báo: Tai nạn do pháo nổ rất phổ biến vào dịp Tết, nhất là đêm giao thừa. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về tác hại của pháo nổ. Hầu hết các trường hợp gặp nạn do pháo đều ảnh hưởng tại vùng trọng yếu ở mặt, trong đó quan trọng nhất là mắt. Không chỉ gây tổn thương tạm thời mà dù có chữa trị cũng sẽ để lại hậu quả vĩnh viễn về thị lực cho bệnh nhân.

“Nhà nước đã cấm pháo nổ nhưng nhiều người vẫn sử dụng loại pháo này dẫn đến những tai nạn đau thương. Các loại pháo này khi nổ tỏa ra lượng nhiệt rất lớn nên dễ gây bỏng. Tai nạn do pháo để lại hậu quả rất khôn lường, chỉ những ai gặp nạn mới thấu hiểu được sự nguy hiểm của nó. Nhiều nạn nhân còn rất trẻ, đang ở độ tuổi đi học, có thể vì khoảnh khắc vui vẻ mà phải trả giá cả đời, lỡ dở chuyện học hành”-bác sĩ Thuấn cảnh báo.

Có thể bạn quan tâm