Pháp luật

Tin tức

Tai nạn giao thông do rượu, bia vẫn còn phổ biến tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mức phạt rất cao đối với người tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo ra bước ngoặt trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai vẫn còn những “ma men” gây tai nạn giao thông (TNGT) do rượu bia, gây ra nỗi âu lo cho người thân và xã hội.
Những cuộc nhậu đau lòng
Những ngày này, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) vẫn tiếp nhận đều đặn một số ca TNGT mà hầu hết nạn nhân đều có sử dụng rượu bia. Khoảng 20 giờ ngày 17-1, bệnh nhân Hyơl (SN 1986, trú tại phường Chi Lăng, TP. Pleiku) nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch. Kết quả chụp X-quang xác định anh Hyơl bị chấn thương sọ não. Bên cạnh đó, bàn chân anh Hyơl còn bị thương do va đập với dải phân cách cố định.
Anh Nêu-người thân của bệnh nhân-cho biết: Anh Hyơl đã điều khiển xe máy đi nhậu từ đầu giờ chiều 17-1. Lân la qua nhiều cuộc nhậu, khoảng 19 giờ 30 phút, khi đã ngà ngà say, anh Hyơl một mình điều khiển xe trở về nhà. Khi lưu thông trên đường Trường Chinh (TP. Pleiku) thì tông vào một người điều khiển xe máy cùng chiều phía trước rồi lao vào dải phân cách cố định. Do va chạm với tốc độ cao nên mũ bảo hiểm vỡ nát khiến anh bị chấn thương phần đầu. “Cũng may người bị tông không sao cả, mấy xe ô tô đi cùng chiều cũng kịp phanh gấp. Hồi trước, nó bị một lần rồi, cũng say rượu rồi tự té đập đầu xuống đường. Mọi người cũng cản là uống ít thôi, say rồi thì đừng có lái xe mà nó không chịu. Giờ nằm viện thế này biết khi nào khỏi”-anh Nêu than thở.
 Anh Kpă Pin (xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: L.G
Anh Kpă Pin (xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: L.G
Cũng cùng nỗi lo lắng ấy, chị Kpă Nhe-mẹ của Kpă Pin (SN 2001, trú tại xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) nhìn cậu con trai đang nằm trên băng ca cấp cứu với ánh mắt buồn bã. Nghỉ học từ sớm, Pin ở nhà phụ giúp cha mẹ việc rẫy. Chiều 1-1, sau khi đi làm về, Pin tham gia vào cuộc nhậu sa đà. Để rồi, khi trở về nhà, đầu không đội mũ bảo hiểm, tay lái cũng không còn vững vàng, Pin đã tự ngã ra bên lề đường gây chấn thương sọ não. Chị Nhe âu lo: “Trước lúc đi, mình cũng dặn nó đừng có uống nhiều, lo mà về để mai còn lên rẫy với cha mẹ. Nó bị tai nạn rồi giờ nương rẫy cũng bỏ đó chứ biết làm sao”.
Còn đó những âu lo
Theo thống kê tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, số ca nhập viện do TNGT đã có dấu hiệu giảm. Cụ thể, 15 ngày trước khi Nghị định 100 có hiệu lực, tổng số ca nhập viện vì TNGT tại đây là 181 ca. 15 ngày sau đó, số ca nhập viện vì TNGT đã giảm xuống còn 161 ca. Tuy nhiên, vẫn có một số ngày, lượng bệnh nhân nhập viện cao như ngày 3-1 có 15 ca, ngày 11-1 có 19 ca,  ngày 15-1 có 15 ca...
Bác sĩ Dương Thái Thuấn-Trưởng khoa Cấp cứu-cho biết: Số ca nhập viện do TNGT có dấu hiệu giảm, chủ yếu tập trung ở địa phận TP. Pleiku. Đặc biệt, với sự vào cuộc mạnh mẽ, xử lý quyết liệt của lực lượng Cảnh sát Giao thông nên trong khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán, số vụ TNGT do bia rượu đã được kiềm chế đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp, đáng lo ngại ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê, trong số 161 ca nhập viện do TNGT trong 15 ngày đầu tiên thực hiện Nghị định 100 có đến hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng lo ngại, đây đều là những ca nặng do người điều khiển phương tiện chạy xe với tốc độ cao, một số không đội mũ bảo hiểm.
“Có thể đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn các huyện chưa thật sự hiểu được hậu quả, tác hại của bia rượu. Để Nghị định 100 mang lại hiệu quả sâu rộng, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền lâu dài, rộng rãi đến cơ sở. Khi đó Bệnh viện mới dần vắng bóng những “ma men” bị TNGT”-bác sĩ Thuấn cho hay.
 LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm