Thể thao

Tin tức

Tại sao Messi phải chia tay Barcelona trong nước mắt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hè năm 2020, Messi muốn chia tay Barcelona nhưng không được toại nguyện. Một năm sau, anh muốn ở lại, nhưng cuối cùng phải gạt lệ chia tay Barcelona sau 21 năm gắn bó.

Messi chia tay Barcelona sau 21 năm gắn bó, từ khi anh còn là một cậu bé còi xương. Ảnh: AFP.
Messi chia tay Barcelona sau 21 năm gắn bó, từ khi anh còn là một cậu bé còi xương. Ảnh: AFP
Messi được toại nguyện… sau 1 năm
Sau trận thua nhục nhã 2-8 trước Bayern Munich ở tứ kết Champions League, Messi đã tuyên bố muốn chia tay Barcelona. Anh bất bình với ban lãnh đạo đội bóng, huấn luyện viên Qique Setien cũng như thất vọng với chính bản thân và thành tích với đội nhà, nên quyết định kích hoạt điều khoản cho phép được tự do chia tay đội bóng.
Điều khoản này chỉ có hiệu lực nếu Messi thông báo vào cuối tháng 5.2020. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mùa giải 2019-2020 của Châu Âu kéo dài sang tháng 7, 8. Barcelona đã dựa vào điều này để giữ chân Messi ở lại và đe dọa sẽ kiện anh ra tòa nếu vẫn muốn rời đội. Messi sau đó đã có cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với Goal nói rằng, anh chấp nhận ở lại vì không bao giờ cho phép bản thân đối đầu với Barcelona về pháp lý.

Juan Laporta thực chất không muốn giữ chân Messi bằng mọi giá, đặt lợi ích của Barcelona lẫn Super League lên trên. Ảnh: AFP
Juan Laporta thực chất không muốn giữ chân Messi bằng mọi giá, đặt lợi ích của Barcelona lẫn Super League lên trên. Ảnh: AFP
Với anh, Barcelona còn hơn cả 1 gia đình. Họ đã đón anh, từ một cậu bé còn xương năm 2000, chi tiền để chữa trị việc thiếu hormone tăng trưởng. Messi lớn lên cùng những giá trị của Barcelona – đội bóng nổi tiếng với khẩu hiệu "hơn cả một câu lạc bộ".
Mùa 2020-2021 kết thúc không quá thất vọng cho Messi và Barcelona khi họ đoạt được Cúp Nhà vua. Joan Laporta sau khi nhận chức Chủ tịch của Barcelona đã cam kết sẽ giữ chân thành công Messi. Việc thương lượng giữa Messi và đội bóng ổn thỏa, Messi chấp nhận giảm 50% lương, xuống còn 50 triệu bảng/mùa (trước thuế), cùng với 1 loạt điều khoản khác.
Tuy nhiên tối 5.8, Barcelona thông báo không thể tái ký hợp đồng với Messi do những trở ngại về "tài chính và cấu trúc". Barcelona đổ lỗi cho Ban tổ chức LaLiga (Giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha) về việc không giữ chân được Messi.
1 ngày sau đó, Chủ tịch Juan Laporta tiếp xúc xác nhận không có "hy vọng" gì cho việc Messi sẽ tiếp tục gắn bó với Barcelona. Đội chủ sân Camp Nou chia tay cầu thủ đã ghi 672 bàn/778 trận, đoạt 35 danh hiệu cùng đội theo cách không ai ngờ tới.
Tại sao Barcelona không thể giữ chân được Messi?
Như đã nói, Messi và Barcelona đã đồng ý những con số trong bản hợp đồng mới. Chỉ có điều, nó sẽ khiến Barcelona phá vỡ các quy tắc trong Luật công bằng tài chính mà đội chủ sân Camp Nou đã ký với LaLiga mùa 2011-2012.

Messi bật khóc trong lễ họp báo chia tay Barcelona chiều 8.8. Ảnh: AFP
Messi bật khóc trong lễ họp báo chia tay Barcelona chiều 8.8. Ảnh: AFP
Theo đó, LaLiga đặt ra giới hạn tiền lương, được tính toán dựa trên tình hình tài chính của câu lạc bộ và họ phải tuân thủ giới hạn của mình để tránh bị phạt trong tương lai. LaLiga sẽ chỉ cho phép Barcelona chi tối đa 70% doanh thu cho hóa đơn tiền lương. Nhưng Laporta hôm 6.8 rằng, nếu Messi ở lại, tiền lương của đội sẽ chiếm đến 110% doanh thu. Ngay cả khi Messi đã được xác nhận ra đi, con số đó vẫn ở mức 95%.
Giai đoạn Barcelona được điều hành bởi Chủ tịch Jose Maria Bartomeu đã khiến đội bóng khốn đốn về tài chính. Juan Laporta tiết lộ, khoản lỗ của đội sau mùa 2020-2021 lên đến 487 triệu Euro, vượt xa con số 200 triệu Euro như Laporta dự tính.
Ban lãnh đạo đội bóng quyết tâm đưa giới hạn lương xuống như yêu cầu của LaLiga khi đàm phán để nhóm cầu thủ trụ cột gồm Gerard Pique, Sergio Busquets, Jordi Alba, Sergi Roberto giảm 40% lương. Họ cũng rao bán nhóm cầu thủ đang nhận lương cao gồm Antoine Griezmann, Ousmane Dembele, Philippe Coutinho, Samuel Umtiti và Martin Braithwaite nhưng đều không thành công.
Laporta cho rằng việc không giữ chân Messi là việc làm tốt nhất vì lợi ích cho Barcelona, tránh cho việc đội bóng đối mặt với nguy cơ lớn.
Messi – nạn nhân của Super League
Barcelona nằm trong số các câu lạc bộ khai sinh ra Super League – siêu giải đấu của nhóm các đội mạnh nhất Châu Âu. Họ cùng Real Madrid, Juventus vẫn giữ nguyên ý định tổ chức giải đấu này, dù 9 đội đồng minh đã rút lui. Javier Tebas – Chủ tịch LaLiga đã chế giễu đây là một "trò đùa" khi Super League thất bại.

Juan Laporta muốn sớm thực hiện Super League và luôn chống đối lãnh đạo LaLiga. Ảnh: Barcelona
Juan Laporta muốn sớm thực hiện Super League và luôn chống đối lãnh đạo LaLiga. Ảnh: Barcelona
Mới đây, LaLiga đã ký giao kèo với Quỹ đầu tư CVC để bán 10% cổ phần giải đấu. Đổi lại, CVC sẽ rót 2,7 tỉ Euro cho LaLiga trong đó có 2,43 tỉ Euro sẽ chảy thẳng đến túi của 42 câu lạc bộ của Tây Ban Nha, giúp họ giải quyết những khó khăn về tài chính.
Barcelona sẽ nhận được 280 triệu Euro – nhiều nhất trong số các đội ở LaLiga. Theo Laporta, ông Javier Tebas nói rằng Barcelona có thể ký với Messi nếu đồng ý giao kèo với CVC. Tuy nhiên, Barcelona lẫn Real Madrid đều không muốn chia 10% tiền bản quyền phát sóng cho các nhà đầu tư bên ngoài.
"Họ cũng lo ngại rằng số tiền mới đổ vào sẽ củng cố LaLiga và biến giấc mơ thành lập một giải Super League của họ ít có khả năng thành hiện thực ở thời điểm hiện tại", Sky Sport bình luận.
Những điều này cho thấy Messi chỉ là nạn nhân trong cuộc chiến vương quyền giữa Super League mà Barcelona là thành viên chủ chốt với LaLiga.
Trong 17 năm cống hiến cho Barca, Messi đã giành tổng cộng 35 danh hiệu, ghi 672 bàn sau 778 trận thi đấu. Anh là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử câu lạc bộ, nhiều danh hiệu nhất và cũng nhiều Quả bóng vàng nhất (6).
NGUYỄN ĐĂNG (LĐO)
https://laodong.vn/bong-da-quoc-te/tai-sao-messi-phai-chia-tay-barcelona-trong-nuoc-mat-939798.ldo

Có thể bạn quan tâm