Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Tại sao Telegram được nhiều người sử dụng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Được ra mắt vào năm 2013 với vai trò là dịch vụ nhắn tin tập trung vào quyền riêng tư, Telegram ngày càng được ưa chuộng trên toàn thế giới.

Telegram được sáng lập bởi hai anh em người Nga Nikolai và Pavel Durov, những người đứng sau sự ra mắt của nền tảng truyền thông xã hội VKontakte (hay VK) của Nga.

Trong nhiều năm, CEO Pavel Durov luôn khẳng định mục tiêu chính của nền tảng này là ủng hộ quyền riêng tư cùng quyết tâm đảm bảo đây là một nền tảng nhắn tin an toàn. Vị CEO này cho biết một số chính phủ đã tìm cách gây sức ép với ông, nhưng ứng dụng hiện có hơn 900 triệu người dùng này vẫn là một nền tảng trung lập mà không phải là một nhân tố trong mâu thuẫn địa chính trị.

Telegram không chỉ thu hút nhiều người ủng hộ quyền riêng tư sử dụng mà còn cả các băng nhóm tội phạm. Ảnh REUTERS

Telegram không chỉ thu hút nhiều người ủng hộ quyền riêng tư sử dụng mà còn cả các băng nhóm tội phạm. Ảnh REUTERS

Giống các ứng dụng nhắn tin khác, Telegram cung cấp tính năng trò chuyện một-một, trò chuyện nhóm, hỗ trợ gửi nội dung phương tiện và thậm chí cả gửi tin nhắn tạm thời. Đặc biệt, nhằm phát triển khả năng nhắn tin nhóm, Telegram cho phép tạo ra các nhóm đến 200.000 người và cũng có thể chia sẻ tập tin lớn đến 2 GB. Chức năng kênh cho phép người dùng phát sóng tin nhắn đến một lượng lớn đối tượng, không giới hạn số lượng người đăng ký. Những tính năng này cho phép người dùng chia sẻ video, hình ảnh và tài liệu với nhiều người cùng một lúc, khiến Telegram trở thành kênh truyền tải thông tin, bao gồm cả những thông tin sai lệch.

Một tính năng đáng chú ý khác của Telegram là "trò chuyện bí mật", cho phép chỉ người dùng truy cập các tin nhắn này từ thiết bị gửi hoặc nhận. Dữ liệu này không lưu trữ trên đám mây, không thể được chuyển tiếp cho bên thứ ba và thậm chí tự động xóa sau một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra nó còn có hỗ trợ máy chủ proxy để người dùng ẩn địa chỉ IP và số điện thoại của họ để ít bị theo dõi hơn. Tất cả điều này nhằm bảo vệ quyền riêng tư của nội dung trò chuyện.

Các tính năng đa dạng do Telegram cung cấp đã khiến nó trở thành một dịch vụ phổ biến để sử dụng tại các thị trường đang có xung đột. Đặc biệt gần đây, dịch vụ này nổi lên như một công cụ quan trọng trong việc truyền thông tin liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine do ít hạn chế nội dung bạo lực hơn các nền tảng khác. Bên cạnh đó, vì nội dung không được kiểm duyệt nên thông tin mà các phe phái đối lập đưa ra có thể đúng hoặc sai nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Nhưng chính "sự cởi mở" trong việc kiểm duyệt thông tin của Telegram vô tình tạo điều kiện cho nhiều hoạt động tội phạm như buôn bán vũ khí, ma túy, lừa đảo… mà không bị ngăn chặn. Việc Telegram không hạn chế nội dung, ngoại trừ nội dung khiêu dâm, khiến những hình ảnh và video bạo lực thường được lưu hành và dễ dàng truy cập, tạo điều kiện cho một số nhóm tội phạm khủng bố lôi kéo người theo dõi hoặc kích động các hành vi bạo lực. Đây là một trong những lý do khiến lực lượng an ninh Pháp bắt giữ Pavel Durov tại sân bay Bourget (Pháp) vào hôm 25.8.

Theo Kiến Văn (TNO)

Có thể bạn quan tâm