Bạn đọc

Tài xế taxi bươn chải mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giảm giá, tăng cường quảng cáo, đầu tư xe mới… là chủ trương của các hãng taxi để tăng tính cạnh tranh trong thời buổi đã không còn “rộng chân” như trước. Vậy với đội ngũ tài xế taxi, họ phải làm gì để cạnh tranh với nhau và đảm bảo thu nhập khi miếng bánh thị phần không phình to tương ứng với số lượng xe taxi đang xuất hiện ngày một nhiều?

Áp lực thời “chia năm xẻ bảy”

Chỉ tính riêng trong năm 2015, thị trường Gia Lai đón nhận thêm 2 cái tên mới trong hệ thống các hãng taxi là taxi giá rẻ-Sun và taxi Tiên Sa, đưa tổng số xe taxi hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 253 xe, tăng 12 xe so với năm 2014. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng taxi trên địa bàn đã tạo nên sức ép cạnh tranh không nhỏ giữa các hãng taxi. Điều đó càng gay gắt hơn khi sự gia tăng này không tương ứng với sức tăng nhu cầu sử dụng của người dân.

 

Số lượng taxi ngày càng tăng, các tài xế taxi càng phải bươn chải kiếm sống.

“Nếu trước, mỗi tháng thu nhập của anh tầm 6 triệu đồng thì bây giờ giảm chỉ còn 4-5 triệu đồng mà phải vất vả cạnh tranh, bươn bả hơn”-anh B. (nhân vật đề nghị giấu tên-P.V) là tài xế taxi hãng Hùng Nhân chia sẻ với phóng viên về công việc và mức thu nhập hiện tại của anh kể từ khi Gia Lai xuất hiện thêm một vài hãng taxi mới hoạt động với mức giá phục vụ cạnh tranh. Đó cũng là bức tranh tổng quát về công việc của hàng trăm tài xế taxi khác trên địa bàn tỉnh, mà tập trung nhất là tại địa bàn TP. Pleiku.

Lái taxi là một loại hình lao động đặc thù, thu nhập được tính dựa trên sự thống nhất tỷ lệ ăn chia giữa hãng và tài xế, hoàn toàn không có lương cố định dành cho tài xế taxi. Bởi vậy, sẽ không có mức lương làm “bảo hiểm” cho tài xế taxi khi công việc chẳng may không thuận lợi. Đó là chưa kể đến hàng loạt các khoản phí mà tài xế phải đóng: tiền thương hiệu (khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền thương hiệu, chi phí tổng đài…), tiền phí bến bãi (70 ngàn đồng/ngày), tiền rửa xe hàng ngày, chưa kể nhiều rủi ro khác như hỏng hóc nhẹ… “Lái xe đã căng thẳng, mà lái taxi còn căng thẳng hơn bởi nắm trong tay sinh mạng con người, rồi vừa quan sát, vừa lắng nghe tổng đài điều hành, nghe khách gọi… Đối với những tài xế xe cổ phần, thực sự anh muốn buông vì không chịu nổi sức ép và thu nhập đã không còn tốt như trước”-anh B. nói. Những áp lực xe cổ phần như anh B. nói, là những tài xế phải thông qua công ty để vay vốn ngân hàng mua xe (không phải lái luôn xe của hãng). Họ sẽ phải chịu một mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất thực ngân hàng áp dụng, mức này hiện có hãng tính tới trên 1,7%/tháng cho phần nợ vốn đầu tư của mình. Với áp lực lãi cộng các khoản phí đóng hàng tháng, tính ra thu nhập của các tài xế xe cổ phần này sẽ chẳng còn bao nhiêu…

Thông thường, các hãng taxi ở Gia Lai đều phân chia với tài xế theo tỷ lệ 40-60 (áp dụng với mức thu đạt được hàng ngày khoảng 1 triệu đồng/xe) và 50-50 (mức thu đạt được khoảng 1,5 triệu đồng/ngày/xe) và tài xế là người phải chịu phần chi phí xăng xe. Đi liền với các chiến dịch giảm giá để cạnh tranh thì thu nhập của tài xế taxi vì vậy cũng bị kéo xuống. “Tụi anh bây giờ muốn đảm bảo thu nhập buộc phải siêng chạy, cày ngày cày đêm. Bên cạnh đó, tài xế phải khéo léo xây dựng và duy trì được mối quan hệ với khách hàng để làm sao có được càng nhiều “khách hàng ruột” càng tốt. Nếu không cứ chạy như cờ lông công ngoài đường đón khách mà xe taxi thì nhiều như thế, chắc là đói…”-anh B. chia sẻ thêm.

“Cơm áo không đùa với khách thơ”

Dễ kiếm được nhiều tiền là lái xe taxi về đêm mà rắc rối nhiều cũng xoay quanh những chuyến taxi về đêm. Không ít người bị cướp, trấn lột, “xù” tiền chỉ vì mạo hiểm chở khách lạ về những nơi xa, hoang vắng khi đêm tối. Áp lực doanh số khiến nhiều tài xế taxi lắm khi phải liều, bất chấp rủi ro, nguy hiểm. “Mới đêm hôm qua khách gọi báo xuống đón ở Kon Gang (Đak Đoa). Chạy tới nơi gọi vào máy khách thì chỉ còn nghe ò í e. Khách muốn chơi xấu tài xế nên dùng sim rác gọi đến tổng đài, coi như mất cả công liền xăng”-anh B. kể.  

Ngoài báo khách ảo để “thả dù” tài xế taxi thì các vụ “xù” tiền cước taxi là nguy cơ phổ biến tiếp theo mà các bác tài taxi thường gặp phải. “Có lần mình nhận điện thoại đón một tốp khách từ ngã ba đường Lê Duẩn-Lý Nam Đế. Khách báo chạy về Chư Pah. Tới nơi, mấy cô cậu choai choai cứ chỉ mình rẽ hết ngõ nọ ngõ kia, mãi sau chạy tới đoạn đường vắng ngắt, hai bên chỉ toàn cà phê. Đến ấy mấy cô cậu bảo dừng xe rồi ào một cái mở cửa, chạy hết vào vườn lẩn mất. Xa xôi và vắng vẻ, mình coi như hôm ấy mất chứ có dám làm gì đâu”-anh B. chia sẻ câu chuyện.

Không riêng anh B, mà khi được hỏi thì hầu như tài xế taxi nào cũng từng bị “xù” tiền cước, chỉ là ít hay nhiều. “Em chạy taxi 3 năm nay nhưng cũng chẳng nhớ nổi đã bao nhiêu lần bị xù cước. Có khách say, có khách mượn rượu giả vờ say để “nói không” với cước. Em nhớ mãi trường hợp bị “xù” tiền cước của một cô gái trẻ. Cô ấy kêu em chở đi lòng vòng suốt cả ngày. Cước xe lên đến cả triệu đồng rồi, em bảo chị dừng đâu cho em xin tiền cước em về. Khi ấy, cô gái mới nói cô không có tiền...”-tài xế Nguyễn Văn Bảo-lái xe taxi Mai Linh ở thị xã An Khê kể.

Và rồi, cũng trong màn đêm và áp lực áo cơm, không ít tài xế taxi vô tình chở cả những đàn anh, đàn chị đang hăng chiến xách theo “hàng nóng” đi tìm thanh toán lẫn nhau. “Mình dính “phốt” này một lần rồi, không muốn nhắc lại nữa. Thấy khách gọi thì chở, có ai biết họ xách theo mã tấu, dao đi tìm xử nhau đâu. Lúc ấy, mình cũng lo giữ mạng chứ còn biết làm sao. Sau này có chuyện, công an gọi lên làm việc miết. Đúng là họa vô đơn chí…”-anh B. bộc bạch.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm