TN - Đất & Người

Tấm lòng vì đồng đội của một cựu chiến binh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bắt tay làm giàu ở độ tuổi đã nghỉ hưu và sau gần 12 năm lăn lộn với nương rẫy, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thắng (tổ dân phố 14, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã trở thành tỷ phú với mức thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. Song điều đáng quý ở cựu chiến binh này chính là tấm lòng vì đồng đội.

Nghỉ hưu ở tuổi xấp xỉ 50, ông Nguyễn Đức Thắng (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) vào Gia Lai lập nghiệp. Ông quyết định vay 200 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư mua 3 ha đất rẫy, trong đó có 1 ha cà phê đang cho thu hoạch bói, còn lại là 2 ha đất trống. Ông tiếp tục mua giống trồng 1.000 trụ tiêu.

 

Ông Nguyễn Đức Thắng đang chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Phương Dung

Vườn cây cơ bản được hình thành cũng là lúc gia đình ông đối diện với vô vàn khó khăn từ khách quan, nào là khí hậu Tây Nguyên thất thường, trong khi cây cà phê, hồ tiêu còn khá mới mẻ, bản thân ông lại chưa có kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc… Vừa tìm cách thích nghi với vùng đất mới, ông vừa tìm tòi thêm những kiến thức về cây trồng mới và chịu khó lao động với mục đích lấy công làm lãi. Hơn nữa, để có tiền tiếp tục đầu tư cho vườn cây, ông bàn với các con trồng các loại cây cây ngắn ngày trên diện tích đất còn trống và trồng xen kẽ trong vườn cây kèm chăn nuôi thêm để có nguồn thu nhập hàng ngày, lấy ngắn nuôi dài.

Trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, đến khi vườn tiêu cho thu hoạch thì bị kẻ trộm đột nhập vào nhà lấy đi 2 tấn tiêu, thế là mọi sự cố gắng trong cả năm của gia đình đều tiêu tan hết. Tuy nhiên, nhờ vào sự nỗ lực của bản thân và không ngừng học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên con đường làm giàu của gia đình ông cũng dần rộng mở. Không chỉ trả hết những khoản nợ đã vay ngân hàng, hiện tài sản của gia đình ông ngoài 5.000 trụ tiêu, 5 ha cà phê và 10 ha cao su tiểu điền đều đang cho thu hoạch… Hàng năm gia đình ông còn tạo việc làm cho nhiều thanh niên người địa phương, cụ thể giải quyết từ 5 đến 7 lao động thường xuyên với mức thu nhập 3,9 triệu đồng/người/tháng, và lao động mùa vụ từ 20 đến 25 người làm liên tục trong vòng 3-4 tháng.

Gần 12 năm lăn lộn với nương rẫy trên vùng đất mới, ông Thắng đã khẳng định phẩm chất người lính-không chịu lùi bước trước những khó khăn và giờ đây, ông đã trở thành tỷ phú nông dân với mức thu nhập bình quân mỗi năm hơn 1 tỷ đồng (đã trừ chi phí). Song không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, ông còn tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động là thanh niên dân tộc thiểu số ở địa phương, giúp vốn cho nhiều hội viên nghèo vay phát triển kinh tế không tính lãi… Đến nay, số tiền ông dùng để cho hội viên nghèo trong huyện vay tính đến trăm triệu đồng.

Chưa hết, chỉ tính trong 2 năm trở lại đây, ông đã trực tiếp hỗ trợ 60 triệu đồng để Hội Cựu chiến binh huyện Chư Sê xây dựng 4 nhà “Nghĩa tình đồng đội”-giúp cho những hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở có điều kiện ổn định cuộc sống. Ngoài ra, ông còn tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục bằng cách đóng góp vào Quỹ khuyến học và cứ đến năm học mới, ông lại mua sách vở, bút để tặng cho các cháu học sinh của xã Chư Pơng.

Ông Dương Văn Núi-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Sê, nhận xét: “Mặc dù chưa phải là hộ giàu nhất trong hội viên Cựu chiến binh huyện, song anh Thắng lại là người có tấm lòng hảo tâm với hội viên nghèo. Trong 2 năm anh đã đóng góp cho Huyện hội hàng chục triệu đồng để hỗ trợ xây dựng 4 căn nhà. Không chỉ có tinh thần vì đồng đội, anh Thắng còn tích cực trong công tác địa phương”.

Phương Dung
 

Có thể bạn quan tâm