TN - Đất & Người

Núi lửa Nâm B’Lang ở Đắk Nông được xếp hạng di tích quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 27/12, UBND huyện Krông Nô tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang, xã Buôn Choáh và xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng đông đảo người dân địa bàn tham dự.

nui-lua-nam-blang-o-dak-nong-dd.jpg
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cùng các đại biểu tham dự tại buổi lễ.

Núi lửa Nâm B’Lang (còn có tên gọi khác là Núi lửa Chư R’luh), thuộc địa phận xã Buôn Choáh và xã Nam Đà. Đây là núi lửa được tạo thành trong giai đoạn cuối của lịch sử phát triển địa chất - Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông. Đây là núi lửa duy nhất trong vùng CVĐC Đắk Nông tạo ra hệ thống hang động dung nham, có quy mô và độc đáo bậc nhất Đông Á.

2daknong.jpg
Văn nghệ chào mừng tại buổi lễ.

Theo khảo sát, nghiên cứu của các nhà khoa học, quá trình hoạt động các dòng dung nham từ miệng Núi lửa Nâm B’Lang chảy về tất cả các hướng khác nhau (Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam và Đông Nam).

Đến nay, phát hiện được 4 hệ thống hang động, gồm 50 hang động có đặc điểm phân bố và cơ chế tạo thành hang, cửa hang phong phú, đa dạng và đẹp. Có nhiều hang phân bố ở tầng nông, nhưng cũng có nhiều hang phân bố ở tầng sâu hàng chục mét.

3daknong.jpg
Đồng chí Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Đắk Nông công bố Quyết định số 611, ngày 12/3/2024 của Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích quốc gia đối với danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang, xã Buôn Choáh và xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông

Núi lửa Nâm B’Lang, phân bố ở độ cao khoảng 601m so với mực nước biển với chiều sâu miệng núi lửa khoảng 59m. Trục dài núi khoảng 160m, trục ngắn khoảng 100m; diện tích miệng núi lửa khoảng 4ha, diện tích núi lửa khoảng 1,6km2.

Khu vực Núi lửa Nâm B’Lang nằm gần các bon, buôn giàu truyền thống văn hóa của các dân tộc M’nông, Ê đê… với các lễ hội, nghề truyền thống và các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng tạo thuận lợi để kết nối tour, tuyến du lịch, khai thác và phát triển du lịch trong tương lai.

Ngày 12/3/2024, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Quyết định số 611 xếp hạng Di tích quốc gia đối với Danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B’Lang, xã Buôn Choáh và xã Nam Đà.

4daknong.jpg
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ngành VHTT-DL và các ngành có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quan tâm xây dựng phương án quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị các di tích, danh thắng, di sản để cùng chung tay bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, Núi lửa Nâm B'Lang là một danh lam thắng cảnh có giá trị đặc biệt, hiếm có, vừa mang vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa, vừa ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học (địa chất, địa mạo,...) tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông.

Danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B'Lang, xã Buôn Choáh và xã Nam Đà, được xếp hạng di tích cấp Quốc gia là vinh dự, tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông. Đây là dịp để tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh và khẳng định giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

5daknong.jpg
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao bằng xếp hạng di tích Quốc gia cho lãnh đạo huyện Krông Nô.

Để bảo tồn, phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Núi lửa Nâm B'Lang nói riêng, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông nói chung, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với ngành VHTT-DL và các ngành có liên quan quan tâm, xây dựng phương án quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị các di tích, danh thắng, di sản địa chất trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích tiếp tục được đẩy mạnh.

Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để làm sáng tỏ hơn các tầng ý nghĩa, xác lập và đánh giá đầy đủ giá trị các di sản địa chất trong vùng CVĐC Đắk Nông. Đi đôi với đó xây dựng các chương trình du lịch đến với danh thắng và các di tích, danh thắng khác trên địa bàn, tạo thành một chuỗi điểm du lịch trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông và của tỉnh Đắk Nông.

Theo Linh Thư (Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm