Chính trị

Tin tức

Tâm nguyện và hiện thực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tháng 3-2017, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều sự kiện chính trị và xã hội, nhưng nổi bật nhất là sự kiện kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng tỉnh. Dịp này, tỉnh đã khởi công xây dựng các công trình Khu Di tích lịch sử-văn hóa căn cứ địa cách mạng khu 10 (xã Krong, huyện Kbang). Đây là một tin vui, bởi đã 42 năm kể từ khi Gia Lai giải phóng, nơi đây mới có một dự án tương đối đầy đủ, được quan tâm và tiến hành xây dựng trong khi lẽ ra phải thực hiện từ lâu rồi.

Đoàn công tác làm việc với xã Krong. Ảnh: L.H
Đoàn công tác làm việc với xã Krong. Ảnh: L.H

Theo đó, trong năm 2017 sẽ thực hiện tôn tạo điểm di tích cơ quan Tỉnh ủy; đầu năm 2018, các hạng mục của công trình di tích thị trấn Dân chủ sẽ tiếp tục được triển khai. Tổng mức đầu tư cho 2 điểm di tích này dự kiến khoảng 16 tỷ đồng, được huy động từ nguồn lực của Nhà nước và các nguồn xã hội hóa.

Với tất cả tấm lòng tri ân, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa phương đang hướng về công trình có tầm vóc này, công trình mà đã nhiều khóa, nhiều nhiệm kỳ đã đặt ra nhưng chưa có điều kiện thực hiện chu tất. Việc khởi công công trình Khu Di tích lịch sử-văn hóa căn cứ địa cách mạng khu 10 đã thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Chế Ngọc Đủ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ia Kring (TP. Pleiku) cho biết, ông rất phấn khởi khi biết tin này; khi công trình hoàn thành ông sẽ thu xếp cho hội viên và cùng con cháu đến đây để tri ân. Theo ông, đây chính là nơi giáo dục truyền thống sinh động nhất cho chính chúng ta và thế hệ mai sau. Còn ông Trần Văn Thu (trú tại tổ 8, phường Ia Kring), một cựu tù từng bị giam giữ, bị địch tra tấn ở Phú Quốc (từ năm 1968-1973) đã vỡ òa vui mừng khi biết tin xây dựng khu di tích. Bởi gia đình ông, bạn bè cùng quê hương Bình Định đã bao lớp người từng cống hiến cho mảnh đất này. Từ ngày có bia tưởng niệm Trại giam tù binh Pleiku giai đoạn 1966-1972 (phường Thống Nhất) thì những ngày rằm hay đầu tháng, nhất là ngày lễ trọng của đất nước, ông vẫn thường cùng vợ con đến nơi này thắp hương tưởng nhớ, như ông nói: Để hương hồn các anh tù binh-liệt sĩ bớt trống trải. Ông cũng trăn trở rằng, công trình được xây dựng nhưng nếu không được quản lý, chăm nom, tu bổ thì cũng nhanh chóng xuống cấp, ví như công trình Bia tưởng niệm Trại giam tù binh Pleiku, vừa mới khánh thành mà nay đã nghiêng ngả, rơi rớt… Nghe câu chuyện của những cựu chiến binh, bất chợt tôi nhớ tới Di tích lịch sử-văn hóa ATK của Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh); Di tích lịch sử-văn hóa Xẻo Quýt (Đồng Tháp)… Họ đã xây dựng từ lâu và đây đúng là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời là điểm du lịch đón khách thập phương.

Trong suốt 20 năm-từ 1955 đến 1975-xã Krong, huyện Kbang là căn cứ địa cách mạng; nơi chở che, nuôi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ tỉnh, các tỉnh bạn, quân khu và Trung ương để chỉ đạo kháng chiến. Mong rằng, với quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh thì “Việc tôn tạo khu căn cứ Krong là tâm nguyện của cả một thế hệ từng gắn bó với nơi này, là niềm mong mỏi của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Chúng ta là thế hệ đi sau được thừa hưởng thành quả cách mạng được đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu. Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”, như lời của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đã phát biểu trong lễ khởi công công trình khu di tích lịch sử-văn hóa này.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm