Du lịch

Hành trang lữ hành

Tầm nhìn dài hạn giúp du lịch Đà Nẵng "biến nguy thành cơ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong thời điểm dịch COVID-19, một số doanh nghiệp du lịch có tiềm lực tài chính, có tầm nhìn dài hạn sẽ có thể sẽ “biến nguy thành cơ” bằng cách tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường nguồn khách.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Ảnh: Thu Cúc
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Ảnh: Thu Cúc
Đó là chia sẻ của ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng với Báo Lao Động liên quan đến những cơ hội, thách thức của ngành du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn dịch COVID-19 xảy ra.
Dịch COVID-19 gây ra cú sốc cho ngành du lịch Đà Nẵng khi hàng vạn người lao động mất việc, doanh nghiệp và các khách sạn nhà hàng lâm vào cảnh phá sản. Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã đề xuất giải pháp gì với chính quyền thành phố nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh?
Hiệp hội đã đề xuất việc tiếp tục kích hoạt các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động, đảm bảo cuộc sống, tránh đóng cửa, giải thể, phá sản...
Cụ thể đối với người lao động có gói hỗ trợ lao động mất việc, gói cho người lao động vay duy trì cuộc sống
Riêng đối với doanh nghiệp, thực hiện giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện cho vay mới; giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm tiền điện nước, viễn thông, một số loại phí...
 
UBND TP. Đà Nẵng vừa giao cho các sở ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách, mỗi người lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?
Trước những khó khăn của người lao động trong ngành du lịch, Hiệp hội đã đề xuất và được UBND TP. Đà Nẵng đồng ý chủ trương, giao cho các sở ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách, mỗi người lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng, trong thời gian 3 đến 5 năm.
Mục tiêu của kế hoạch này là giúp người lao động duy trì cuộc sống, dự kiến thời gian vay như vậy đủ để thị trường phục hồi, từ đó người lao động ngành du lịch sẽ có thu nhập để trả khoản vay trên.
Hiện số người lao động đã đăng ký vay là gần 2.000 người và Hiệp hội đang tiếp tục nhận đăng ký.
Các điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ này đang được các các sở ngành chức năng và Ngân hàng chính sách xem xét. Hiệp hội sẽ sớm thông tin đến người lao động.
Có ý kiến cho rằng, nhìn một cách tích cực thì dịch bệnh sẽ giúp ngành du lịch “sàng lọc”, tái cấu trúc lại thị trường, sàng lọc những doanh nghiệp kiên nhẫn, có tâm và có tầm. Ông suy nghĩ như thế nào về quan niệm này?
Đối mặt với COVID-19 thì khó khăn, thách thức sẽ kéo dài. Tuy vậy, tôi tin rằng một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có tầm nhìn dài hạn sẽ có thể “biến nguy thành cơ” bằng cách tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc thị trường nguồn khách; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo lực lượng lao động, rà soát hệ thống sản phẩm, thị trường, khách hàng... để nhanh chóng phục hồi khi điều kiện cho phép.
 
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra như hiện nay, loại hình du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) đã được ngành du lịch Đà Nẵng hướng đến và cũng là xu hướng chung của thế giới. Xin ông cho biết, việc xúc tiến thị trường vào phân khúc khách MICE được ngành du lịch triển khai như thế nào?
Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch MICE và đã được công nhận là một trong những điểm đến tổ chức sự kiện hàng đầu Châu Á.
Để nhanh chóng phát triển loại hình du lịch này, Sở Du lịch thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển thị trường khách MICE, các ưu đãi cho các đoàn khách MICE đến Đà Nẵng trong năm 2020, xúc tiến thành lập Câu lạc bộ các doanh nghiệp đón khách MICE... từ đó hình thành hệ thống sản phẩm đặc thù và xúc tiến mạnh mẽ vào các thị trường khách MICE cả trong và ngoài nước.
Dịch xảy ra, nguồn nhân lực trong ngành du lịch lâm vào cảnh khó khăn. Thậm chí có tình trạng sinh viên không chọn các trường đào tạo ngành du lịch vì lo không có việc làm khi ra trường. Nếu không có sự thay đổi, dịch bệnh qua đi, Đà Nẵng sẽ không đủ nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch?
Đây là thực trạng không chỉ riêng Đà Nẵng mà hầu hết các trung tâm du lịch lớn đều gặp phải. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố đang bằng nhiều cách giữ chân lực lượng lao động cơ hữu của mình chờ thị trường phục hồi; lãnh đạo thành phố cũng đã có chủ trương cho người lao động trong lĩnh vực du lịch vay duy trì cuộc sống thông qua Ngân hàng chính sách và điểm cơ bản là nội lực của Đà Nẵng cho việc phục hồi và phát triển du lịch trong tương lai khi dịch bệnh được kiểm soát là rất lớn.
Vì vậy, đứng ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi không quá lo lắng về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
HỮU LONG (LĐO)
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/tam-nhin-dai-han-giup-du-lich-da-nang-bien-nguy-thanh-co-917406.ldo

Có thể bạn quan tâm