Tầm soát bằng chụp cộng hưởng từ (MRI) áp dụng cho những phụ nữ có mô vú đậm đặc giúp phát hiện sớm bệnh ung thư vú.
Những bệnh nhân có mô vú đậm đặc có nguy cơ ung thư vú cao hơn. Đậm độ của mô tuyến vú gây khó khăn trong việc phát hiện tổn thương ung thư vú trên nhũ ảnh.
Tỷ lệ phụ nữ có mô vú đậm đặc chiếm khoảng 10%. Tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ trên 40 tuổi. Ngoài yếu tố di truyền, nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng trên đậm độ tuyến vú. Tình trạng này thường gặp ở những người có thể hình thon gọn hoặc có chỉ số khối cơ thể thấp, trẻ tuổi và có thể đang dùng hormone liệu pháp nhằm cải thiện các triệu chứng mãn kinh.
Nghiên cứu thực hiện trên 40.000 bệnh nhân có độ tuổi từ 50-70, được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine phát hiện rằng tầm soát bổ sung bằng chụp cộng hưởng từ (MRI) vú kết hợp chụp nhũ ảnh trên những bệnh nhân có mô vú đậm đặc giúp phát hiện ung thư vú sớm hơn so với tầm soát thường quy bằng chụp nhũ ảnh như khuyến cáo hiện nay.
50% bệnh nhân phát hiện bất thường ở vú khi chụp lại bằng MRI sau khi chụp nhũ ảnh có kết quả bình thường. Trong số này, 26% trường hợp bị ung thư vú được kết luận bằng sinh thiết sau đó.
Khuyến cáo của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ hiện nay đề nghị chụp nhũ ảnh hàng năm cho phụ nữ tuổi từ 45-54 và sau đó là mỗi 2 năm 1 lần cho đến khi ước lượng kỳ vọng sống dưới 10 năm. Phụ nữ ở độ tuổi 40-44 có thể thực hiện chụp nhũ ảnh hàng năm sau khi thảo luận với bác sĩ.
Các nhà nghiên cứu đề xuất bổ sung kết quả này vào khuyến cáo hiện nay nhằm giúp tăng cơ hội phát hiện sớm ung thư vú, một trong những yếu tố tối quan trọng giúp tăng cao hiệu quả điều trị và cơ hội sống của người bệnh.
Tuy nhiên, nguy cơ kết quả dương tính giả dẫn đến gia tăng những thủ thuật can thiệp không cần thiết lẫn chi phí cũng cần phải xét đến khi áp dụng chụp MRI vú thường quy.
Theo BS Lê Minh Quang (TTO)