Với mức giá thấp kéo dài suốt từ Tết Nguyên đán đến nay- chỉ 22.000-24.000 đồng/kg cà phê nhân; thấp nhất trong vòng 5 năm qua, kể từ niên vụ 2006, Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã có văn bản trình Chính phủ đề nghị hỗ trợ ngành cà phê bằng cơ chế cho vay ưu đãi, tạm trữ 200.000 tấn cà phê (bằng 20% sản lượng cà phê Robusta; sản phẩm chủ yếu giúp đưa Việt Nam đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà phê, sau Brazil) nhằm chặn đà giảm giá; giúp doanh nghiệp và qua đó, giúp nông dân gỡ khó, bảo tồn vườn cây.
Dù đến ngày 23-3, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa chính thức có văn bản phản hồi về đề nghị này nhưng đại diện Vicofa đã tự tin khẳng định: “Liên bộ Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT đã chấp thuận đề xuất trên, vấn đề còn lại chỉ là thủ tục”. Tuy vậy, giới sản xuất- kinh doanh- xuất khẩu cà phê từ nhiều ngày qua đã râm ran định luận về cơ chế, đối tượng được hưởng thụ ưu đãi và hiệu quả của nó đến đâu. Và ai sẽ được lợi từ chính sách tạm trữ- ưu đãi này? Hay nói cách khác, cơ chế ưu đãi này sẽ tập trung “cứu” ai trước-doanh nghiệp hay nông dân?
Nhiều khả năng Chính phủ sẽ giao trọng trách này cho Tổng Công ty Cà phê Việt Nam như nhiều nhận định đã có. Và nhiều chuyên gia cà phê cũng lo ngại rằng hiệu quả ưu đãi có thực đến tay nông dân-đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất khi cà phê mất giá? Theo phân tích, sẽ không loại trừ việc các doanh nghiệp được chỉ định vay ưu đãi để mua tạm trữ, sau đó giá lên sẽ bán- xuất khẩu và đưa phần chênh lệch vào phần “lợi nhuận” trong hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, hóa ra Nhà nước mất tiền mà nông dân ít được hưởng lợi.
Xét từ thực tế trên thị trường cà phê nhiều năm qua, cũng có ý kiến cho rằng sự ưu đãi nên dồn vào doanh nghiệp ký gửi, thay vì doanh nghiệp thuần xuất khẩu. Nguyên nhân, ở vùng cà phê lớn nhất nước- Tây Nguyên- người nông dân sản xuất cà phê thường thiếu vốn, thiếu kho bãi… nên đến vụ thu hoạch, họ đem sản phẩm gửi ký kho doanh nghiệp và tạm ứng vốn; chờ giá cả đạt ở “mức lãi chấp nhận” được thì “cắt giá”, quyết toán với các công ty nhận ký gửi. Song trong thực tế kể từ năm 2001, đã xảy ra nhiều vụ đại lý (hoặc công ty) cà phê vỡ nợ mà nguyên do chủ yếu là các đơn vị này bị đứt vốn bởi giá cà phê xuống thấp kéo dài. Lựa chọn có vẻ hợp thời hợp người hơn cả là chủ trương ưu đãi nên dành cho các đơn vị lớn có thực lực, có uy tín; đặc biệt là hạng mục “mua tạm trữ” phải được triển khai đúng mục đích và phải được giám sát chặt chẽ. Có như vậy, nhà nước mới không bị “mất vốn oan”, và người nông dân mới thực sự được hưởng ưu đãi, dù là sự ưu đãi gián tiếp nhưng đã được “bảo chứng” bởi doanh nghiệp- ngân hàng và bởi sự giám sát của chính quyền sở tại.
Cái khó còn lại chính là cơ chế xác định “giá sàn” thu mua tạm trữ cà phê vốn chưa có tiền lệ. Và những bài học từ quá trình ưu đãi cho hạt gạo ở đồng bằng sông Cửu Long ít nhiều sẽ bổ ích cho vùng cà phê lớn nhất nước đang đứng trước cơn “bão giá” hiện nay.
Nguyễn Thịnh