Điểm đến Gia Lai

Tản mạn Ia Ko

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên đoạn đường mà có người ví là “cao tốc” Pleiku-Chư Sê, tức đường Hồ Chí Minh-quốc lộ 14, từ TP. Pleiku qua khỏi dốc Phú Mỹ chừng hơn một cây số về phía Tây, nếu bạn chú ý sẽ thấy một con đường rẽ giữa những vườn cao su vừa được tái canh. Theo con đường này chừng gần 30 cây số sẽ đến xã Ia Ko, huyện Chư Sê.

 

Ngày trước, dù con đường chưa được hoàn chỉnh như ngày nay nhưng nó rất đẹp, nép mình và uốn lượn quanh co trong những cánh rừng cao su xuyên qua các xã Ia Glai, Ia Hlốp thời cà phê, cao su, hồ tiêu đang lên ngôi, tận thấy cuộc sống của bà con các dân tộc trên vùng đất này khá no đủ.

Đường về Ia Ko. Ảnh: Đ.M.P



Cách đây ít hôm, các bạn trẻ trong nhóm thiện nguyện cùng tôi có mặt tại làng Sur A (xã Ia Ko) sau hơn một giờ xe chạy từ Pleiku. Đây là ngôi làng Jrai được định cư, định canh từ thời tôi còn làm việc ở Chư Sê. Khi ấy, dù đã định cư nhưng làng rất nghèo, đa phần bà con vẫn bám rẫy quảng canh cây lúa dài ngày một vụ, chưa quen lối canh tác trên ruộng nước và trồng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Tôi còn nhớ rất rõ, trước đấy nữa, Ia Ko luôn nằm trong danh sách cứu đói. Còn việc đau ốm, dịch bệnh là chuyện thường niên ở xã. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học chưa được đến trường rất lớn. Giờ trở lại Ia Ko, đường sá đã thảm nhựa và bê tông hoàn toàn. Chúng tôi đi một vòng sang xã Ia Hla (tách ra từ xã Ia Ko năm 2005) thì thấy con đường liên xã khá tốt; điện lưới quốc gia đã phủ đến đa số hộ gia đình. Cà phê, cao su của Nông trường Cà phê Ia Ko và Nông trường Cao su Ia Ko cùng với những trang trại cà phê, hồ tiêu của bà con nông dân đang trong mùa thu hoạch. Các phương tiện vận chuyển nông sản di chuyển ngược xuôi trên những cung đường trong xã, nhìn thấy cảnh ấy mà lòng tôi rất vui.

Ia Ko là xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Bà con Jrai nơi đây khi ấy luôn một lòng một dạ đi theo Đảng, làm cách mạng, cả xã là một “căn cứ” địa của cán bộ, du kích, là địa bàn đứng chân của các lực lượng vũ trang, là bàn đạp để tấn công kẻ địch từ phía quốc lộ 14 ở hướng Đông; chống quân Mỹ-ngụy càn quét đánh phá từ phía Tây-Đồn Plei Me. Dẫu sống bất hợp pháp với chính quyền cũ, song bà con luôn là chỗ dựa về hậu cần của nhiều đội công tác vũ trang, các lực lượng cách mạng quanh vùng, ủng hộ cho cách mạng hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm. Đào hầm, vót chông, tham gia chống giặc càn, giặc lấn chiếm, dồn dân, lập ấp chiến lược. Đặc biệt, có hàng trăm nam nữ thanh niên bấy giờ đã tòng quân, nhập ngũ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Khi lập hồ sơ để đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho quân và dân xã Ia Ko trong thời kỳ chống Mỹ, đọc các trang viết về một thời oanh liệt của xã mà tôi vô cùng khâm phục, tự hào về vùng đất và con người nơi đây.

Anh Nay Tháo-Bí thư Huyện ủy khi đó đã kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện về vùng đất mà anh đã sống và chiến đấu hàng chục năm trong gian khổ, ác liệt đầy xúc động. Giờ anh đã ra đi về với tổ tiên, song hai lần trở lại Ia Ko trong tháng 10 và tháng 11 vừa rồi, tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ đến anh. Gặp lớp cán bộ trẻ của làng, xã bây giờ, hỏi thăm những người cũ như Puih Bra, Puih Bok và nhiều người khác nữa... thì có người chỉ còn nhớ “mài mại” họ là những cán bộ trước đây của xã. Cũng đúng thôi, tre già măng mọc là lẽ thường tình, tạm thời “khép lại” chuyện cũ, lo cho hiện tại và tương lai là hợp quy luật khách quan. Hỏi chuyện Chủ tịch xã Trần Xuân Cảnh, một cán bộ còn khá trẻ, anh cho biết rất tường tận về tình hình xã mình: Ia Ko hiện có 5 thôn làng, 1.269 hộ với tổng số dân là trên 5.883 khẩu, trong đó bà con Jrai chiếm 64%. Theo thống kê, cho tới thời điểm này, Ia Ko mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới, còn phải phấn đấu rất nhiều trong thời gian đến mới theo kịp các xã lân cận. Những tiêu chí chưa đạt toàn là những nội dung quan trọng, nhất là về hộ nghèo, nhà ở dân cư, thu nhập, tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và xã hội... Còn cô Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Măng non Nguyễn Thị Quyên, thuộc thế hệ 8X, thì cho hay: “Giáo dục của xã giờ khá lắm so với trước rồi chú ạ. Nhưng...”. Tôi hiểu, nhu cầu phát triển cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục là chuyện hợp tình hợp lý; nếu chưa kịp đáp ứng nhu cầu ấy là lẽ đương nhiên. Chỉ sợ con em đồng bào vùng sâu, vùng xa này không chịu đến trường, còn chuyện thiếu trường, thiếu lớp cho chúng đến học thì dần rồi sẽ được đáp ứng với sự chung tay của chính quyền, đoàn thể xã hội.

Đã vào đông. Trời Ia Ko trong veo, nắng đẹp nhưng cái lạnh vẫn se se vừa đủ cho dã quỳ vàng khoe sắc và các cô gái làng má thêm ửng hồng, môi thêm thắm. Nhìn các bạn trẻ ấy, ký ức về một thời gian lao, khổ cực xưa, khi tôi còn là một cán bộ “nằm vùng” ở Chư Sê và bao đêm cùng những ché rượu cần quanh bếp lửa trong khu nhà tạm bợ mái tôn, vách ván của trụ sở xã Ia Ko với Puih Bra-Bí thư, Puih Bok-Chủ tịch UBND xã và các già làng, cán bộ thôn... hiện về mồn một. Chúng tôi từng ước mơ rồi một ngày nào đó, Ia Ko không còn người đói rét, bệnh tật và các cháu đến độ tuổi đi học được cắp sách đến trường trên những con đường bê tông nhựa. Giờ, dẫu còn những khó khăn thiếu thốn, nhưng những điều ước mơ nho nhỏ ấy của chúng tôi ngày nào đã gần như trở thành hiện thực!

Trở về Pleiku trên con đường thảm nhựa trải một màu vàng rực dã quỳ đang “độ chín”, xen lẫn cao su, cà phê, hồ tiêu qua những khu dân cư đông đúc, tôi cứ miên man nghĩ về một tương lai không xa, về một ngày nào đó giá các loại nông sản chủ lực của vùng đất này sẽ lại lên ngôi. Chư Sê sẽ trở thành thị xã, còn Ia Ko sẽ là xã đạt chuẩn nông thôn mới với những tiềm năng phong phú được khai thác, làm giàu.

 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm