(GLO)- Xã Tân Sơn (TP. Pleiku) sở hữu nhiều thắng cảnh và giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa. Thời gian gần đây, Tân Sơn là điểm đến hấp dẫn, vẫy gọi du khách tham quan trải nghiệm.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Ông Lê Xuân Dũng-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn-cho biết: Toàn xã có 5 thôn, làng. Thời gian gần đây, vài hộ gia đình người Jrai đã mở dịch vụ quán ăn uống phục vụ du khách. Đây là các quán ăn được thiết kế theo kiến trúc Tây Nguyên kết hợp với ẩm thực mang hương vị độc đáo như: cơm lam, gà nướng, heo nướng xiên, rượu ghè, lá mì, muối lá é... nên thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. “Xã có 2 làng người Jrai còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Ở 2 làng này đều có đội cồng chiêng người già và thanh thiếu nhi thường biểu diễn tại các quán ăn và tham gia các hội thi do các cấp tổ chức”-ông Dũng cho hay.
Một góc quán Gà nướng Plơi Têng. Ảnh: R’Ô HOK |
Anh Hyơm-Chủ quán Gà nướng Plơi Têng, Đội trưởng đội cồng chiêng làng Têng 2-chia sẻ: Quán được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người Jrai. Với không gian rộng rãi, anh trưng bày các hiện vật như: cây nêu, nhà rông, nhà sàn, tượng gỗ, nhạc cụ, dàn chiêng kết hợp với đốt lửa trại biểu diễn cồng chiêng, múa xoang nhằm giúp du khách hòa mình vào cuộc sống của buôn làng ngay giữa lòng phố núi Pleiku.
Theo anh Hyơm: “Trước đây, vào những dịp lễ hội, mọi người mới có dịp đánh chiêng. Việc xây dựng quán kết hợp với trình diễn cồng chiêng giúp các thành viên trong đội có thời gian ngồi lại với nhau ôn luyện và tái hiện lại các lễ hội truyền thống của dân tộc thông qua phục vụ du khách. Đồng thời, các buổi trình diễn tại quán cũng là cơ hội để đội kèm cặp cho thanh thiếu nhi trong làng rèn luyện kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, múa xoang. Nhờ đó, đội cồng chiêng thanh thiếu nhi của làng ngày càng tiến bộ, thường xuyên tham gia nhiều hội thi do địa phương tổ chức và đạt nhiều thành tích nổi bật”.
Còn anh Krơt-thành viên đội cồng chiêng làng Têng 2 thì tâm sự: Khi còn nhỏ, nghe người lớn tuổi trong làng diễn tấu cồng chiêng, anh đã rất thích. Nhờ có năng khiếu và ham học nên anh trở thành thành viên đội chiêng của làng. “Bây giờ, tôi đã thành thục các bài chiêng truyền thống của dân tộc nên thường xuyên cùng đội đi biểu diễn khắp nơi. Các tiết mục, điệu nhạc diễn tấu của đội phục vụ du khách tại quán Gà nướng Plơi Têng thường rất ngẫu hứng nên mọi người rất thích thú”-anh Krơt bày tỏ.
Hòa mình vào thiên nhiên
Khi đến Tân Sơn, du khách sẽ còn được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, thơ mộng. Trong đó, nổi tiếng nhất là bãi bồi Tiên Sơn nằm giữa Biển Hồ và hồ Ia Nâm được bao bọc bởi các dãy núi xung quanh. Vào mùa mưa, mặt lòng hồ rộng mênh mông. Còn vào mùa khô, khi nước rút để lộ ra bãi đất trống, cỏ lên xanh mướt, tựa như thảo nguyên thu nhỏ. Vài hộ gia đình địa phương đã tận dụng không gian trong lành, thông thoáng để xây dựng quán cà phê, homestay có kiến trúc hài hòa, gần gũi với thiên nhiên. Vào ngày lễ hoặc cuối tuần, nhiều du khách đến đây tham quan, chụp hình, thả diều, cắm trại…
Xã Tân Sơn có cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, thơ mộng. Ảnh: R’Ô HOK |
Ông Thái Văn Hiếu-Chủ quán cà phê Ông Ngoại-chia sẻ: Thưởng thức cà phê là nhu cầu thường xuyên của nhiều người. Không chỉ vậy mà thực khách còn muốn ngồi trong không gian đẹp mắt, thân thuộc và gần gũi với thiên nhiên. Nắm bắt xu thế đó, cách đây hơn 2 năm, tôi xây dựng quán cà phê Ông Ngoại. Không gian tại quán thoáng đãng, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Thời gian qua, quán đón khá nhiều khách trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, đến với Tân Sơn, khi men theo trục đường chính của xã, du khách còn có thể chiêm ngắm nhà thờ Tiên Sơn với kiến trúc vô cùng độc đáo. Ngoài ra, du khách còn có thêm những trải nghiệm khi cùng người dân địa phương xuống đồng bắt cá, bắt tôm, cua trong khung cảnh bình yên.
R’Ô HOK